Các nhà khoa học tại Đại học Stanford (Mỹ) đã phát triển một phương pháp điện phân mới có thể biến nước biển thành nhiên liệu hydro thông qua việc sử dụng năng lượng ánh sáng Mặt trời và điện cực.

Nguyên mẫu thiết bị tách hydro từ nước biển. Ảnh: Đại học Stanford
Nguyên mẫu thiết bị tách hydro từ nước biển. Ảnh: Đại học Stanford

Bởi vì nhiên liệu hydro không giải phóng CO2 khi bị đốt cháy nên nhiều người coi nó là một giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Hiện nay, công nghệ tách nước thường được dùng để tạo ra nhiên liệu hydro đòi hỏi nước có độ tinh khiết cao. Khi dòng điện chạy qua các điện cực trong nước, bọt khí hydro sẽ xuất hiện ở cực âm, trong khi đó cực dương là khí oxy.

“Nếu muốn xây dựng một nền kinh tế hydro, chúng ta cần sản xuất một lượng nhiên liệu hydro lớn, và chi phí sẽ rất cao nếu chúng ta sử dụng biện pháp điện phân nước tinh khiết”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Khi điện phân nước biển, nguyên tử clo tích điện âm có thể ăn mòn cực dương do đó ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị tách nước.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học chế tạo cực dương bằng cách phủ xung quanh một lõi bọt niken các lớp sắt-niken hydroxit và niken sunfua. Phản ứng tách nước khiến niken sunfua trở thành một lớp tích điện âm, đẩy lùi nguyên tử clo và bảo vệ lõi kim loại.