Nhóm nghiên cứu Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã phân lập được 45 chủng vi khuẩn có khả năng phát triển trong môi trường nước thải nhiễm mặn; đồng thời, sản xuất được chế phẩm vi sinh xử lý nước thải nhiễm mặn từ 6 chủng trong số đó.

Các loại nước thải có độ mặn cao thường gặp là nước thải dệt nhuộm, thuộc da, nhà máy chế biến thủy- hải sản, rau củ quả, sản xuất nước mắm, nước thải ao nuôi thủy sản nước mặn,… Theo PGS.TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, đặc trưng chung của các loại nước thải này là có độ mặn tính theo nồng độ NaCl từ 3–30gr/l. Trong đó, nước thải từ quá trình chế biến thủy sản nhiễm mặn rất cao, chứa nhiều chất hữu cơ, chất thải rắn và dầu mỡ. Mặt khác, nhiều nhà máy chế biến ở gần biển do thiếu nước ngọt nên sử dụng nước biển sục rửa hệ thống máy móc, càng làm tăng độ mặn của nước thải. Ở Việt Nam, công nghệ xử lý nước thải nhiễm mặn vẫn còn khá mới mẻ.

các chủng
10 chủng vi khuẩn được tuyển chọn

Trong nghiên cứu của mình, nhóm lấy mẫu nước thải sau (từ cảng cá Vàm Láng và Nhà máy sơ chế thủy hải sản Minh Thắng ở Tiền Giang) và dùng phương pháp cấy truyền nhiều lần để phân lập được từng chủng vi khuẩn thuần. Sau đó, nhóm theo dõi khả năng phát triển và chịu mặn của các chủng vi khuẩn đã phân lập.

PGS.TS. Lê Hùng Anh cho biết, từ 10 mẫu nước thải, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 45 chủng vi khuẩn. Tất cả 45 chủng đều phát triển tốt ở độ mặn 1%, 33 chủng phát triển được ở độ mặn 3%, 14 chủng chịu được độ mặn 5%, 12 chủng chịu được độ mặn 7%, và đặc biệt có 3 chủng phát triển được ở độ mặn 9%.

Chế phẩm
Chế phẩm vi sinh xử lý nước thải nhiễm mặn

Trong số đó, nhóm tuyển chọn 10 chủng có khả năng thích nghi với nồng độ muối tăng dần. Sau khi đánh giá khả năng xử lý nước thải của 10 chủng vi khuẩn nói trên (hiệu suất xử lý, khả năng chịu mặn, nhiệt độ,..), nhóm chọn ra 6 chủng vi khuẩn để sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý nước thải nhiễm mặn. Chế phẩm có độ tinh sạch cao, mức độ thuần các chủng ổn định sau 6 tháng bảo quản nhiệt độ phòng. Kết quả thử nghiệm chế phẩm cho thấy, với tỷ lệ pha loãng 1:10 (xử lý 1m3 nước thải cần 100L chế phẩm đã hòa tan, hay 10 kg chế phẩm dạng rắn) hoặc 1:50 (sử dụng 2 kg chế phẩm/m3 nước thải cần xử lý) khi bổ sung vào hệ thống xử lý, cho hiệu suất xử lý lần lượt là 88,75% và 80,35% trong 72 giờ.

Với kết quả nghiên cứu nói trên, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường mong muốn tìm kiếm đối tác chuyển giao sản phẩm, công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật xử lý mùi hôi, xử lý rác thải, xử lý bùn đáy ao nuôi thủy sản.