Công nghệ số hóa thường được hứa hẹn như một giải pháp môi trường hiệu quả, giúp tiết kiệm tài nguyên, qua đó làm giảm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Song thực tế lại không như lời hứa hẹn, bởi chính các thiết bị kỹ thuật số, cũng như phần lớn mọi thiết bị được con người sử dụng, đều có tác động nhất định tới môi trường.
Công nghệ số có ảnh hưởng tích cực nhất định tới môi trường, tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng vậy. Nghiên cứu thực hiện bởi TS Jessica McLean (Đại học Macquarie, Australia) đã chứng minh một số hiểu lầm cần bị bác bỏ về mối liên hệ thực chất giữa công nghệ và môi trường.
Hình minh họa. Nguồn: Katie McLean
Đo lường ảnh hưởng môi trường từ công nghệ số
Ủy ban Môi trường Liên hợp quốc định nghĩa một hệ sinh thái số là “một mạng lưới phân tán phức tạp hoặc một hệ thống công nghệ xã hội kết nối lẫn nhau”. Hiểu đơn giản, các hệ sinh thái số là hệ quả của sự tương tác giữa con người, cơ sở hạ tầng số và các thiết bị kỹ thuật số và dựa vào sự tiêu thụ năng lượng ở nhiều cấp độ khác nhau.
Khái niệm “hệ sinh thái số” hiển nhiên có liên quan tới tư duy sinh thái học, đặc biệt là về sự kết hợp giữa con người và công nghệ, song chẳng có gì hiển nhiên là “bền vững” ở đây. Hệ sinh thái số càng phát triển, tầm quan trọng của việc đánh giá tác động môi trường của nó càng cần được nâng cao.
Vào năm 2017, theo một báo cáo trên Nature, lưu lượng truy cập internet (với nguồn ra và vào đều là các trung tâm dữ liệu) đang ngày càng tăng theo cấp số nhân và đã đạt mức 1,1 zettabyte tại thời điểm ghi nhận (một zettabyte tương đương với một nghìn tỷ gigabyte). Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng lượng khí thải cacbon, hay khí nhà kính.
Nguy cơ từ các trung tâm dữ liệu
Các trung tâm dữ liệu - hiểu đơn giản là các nhà máy lưu trữ, sao lưu và phục hồi dữ liệu, là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu trong mỗi hệ sinh thái kỹ thuật số.
Thời điểm tháng 4 năm ngoái, ước tính các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới đã sử dụng hơn 2% điện năng trên toàn thế giới và tạo ra lượng khí thải carbon ngang với ngành hàng không toàn cầu (về sử dụng nhiên liệu). Trong khi vô số cuộc tranh cãi nổ ra về ảnh hưởng của việc di chuyển bằng đường hàng không đến biến đổi khí hậu, ngược lại, cuộc sống số lại không nhận được sự đánh giá tương xứng như vậy.
Theo GS John Naughton (Đại học Mở Anh quốc), các trung tâm dữ liệu chiếm khoảng 50% tổng năng lượng được tiêu thụ bởi các hệ sinh thái kỹ thuật số, còn lại là các thiết bị cá nhân sử dụng 34% và các ngành công nghiệp sản xuất ra chúng chiếm 16%.
Những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Google đã cam kết thực hiện các mục tiêu tái tạo 100%, nhưng họ cũng chỉ là một phần của hệ sinh thái kỹ thuật số khổng lồ hiện tại. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, họ dựa vào sự đền bù các-bon (carbon offset) để đạt được điều này, trong đó các cá nhân và tổ chức đầu tư vào các dự án môi trường để cân bằng lượng khí thải carbon sản sinh từ các hoạt động vận hành khác. Khi chỉ ra được dự án của mình đã giảm phát thải hiệu quả, công ty sẽ tạo ra các tín chỉ cacbon (carbon credit) và bán lại cho các chính phủ, tổ chức, cá nhân có nhu cầu giảm dấu ấn cacbon (carbon footprint). Chẳng hạn, khi đặt chuyến bay, hành khách có thể mua các các tín chỉ cacbon (carbon credit) này để bù đắp lượng phát thải từ hoạt động bay của mình.
Tuy nhiên, hệ thống đền bù này đã gặp phải chỉ trích do không cho thấy hiệu quả trong việc giảm thiểu phát thải cacbon từ tầng lớp giàu có mà chỉ giúp họ loại bỏ cảm giác “tội lỗi” với môi trường.
Một tương lai đầy dấu vết cacbon phía trước
Trước sự xuất hiện của nhiều công nghệ kỹ thuật số mới, tác động môi trường của các hệ sinh thái kỹ thuật số hẳn sẽ theo chiều hướng tăng lên.
Ngoài các tác động rõ ràng về mặt kinh tế và xã hội, ý nghĩa môi trường của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng cần được xem xét nghiêm túc.
Một bài báo được xuất bản vào tháng 6 bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Massachusetts Amherst tiết lộ rằng việc đào tạo một cỗ máy AI lớn có thể thải ra lượng carbon gấp năm lần so với một chiếc xe (bao gồm cả nhiên liệu) vận hành trong thời gian ngang với một đời người. Nên lưu ý rằng, quá trình đào tạo chỉ là một phần trong quy trình sử dụng và vận hành một cỗ máy AI, vì vậy dấu vết cacbon của toàn bộ quy trình là không hề nhỏ.
Tương tự, khai thác bitcoin (một ứng dụng của blockchain) cũng tiêu thụ mức năng lượng lớn và ngày càng gia tăng trên quy mô toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Áo và Colombia là hai quốc gia có tình hình khai thác bitcoin tốn nhiều năng lượng nhất.
Trao trả “sinh thái” cho hệ sinh thái số
Hệ sinh thái kỹ thuật số hỗ trợ các thiết bị của chúng ta, bao gồm các hệ thống lưu trữ và mạng phát sinh trong nhà hoặc nơi làm việc, chẳng hạn như trên nền tảng đám mây. Nhưng vậy không có nghĩa là con người không phải chịu trách nhiệm về tác động của các hệ thống này.
Các vệ tinh trong không gian, Internet vạn vật kết nối đang len lỏi vào các công nghệ cũ và biến đổi cách chúng ta sử dụng chúng. Những khía cạnh ngầm của các hệ sinh thái kỹ thuật số có thể giải thích phần nào lý do con người bỏ qua các tác động môi trường ngày càng tăng của kỹ thuật số.
Hiện tại, có một số cách để tìm hiểu thêm về các lựa chọn công nghệ có trách nhiệm với môi trường. Hướng dẫn năm 2017 của Greenpeace đánh giá các công ty công nghệ kỹ thuật số về thông tin xanh của họ. Nó đã đánh giá một loạt các tập đoàn, bao gồm một số nền tảng quản lý kỹ thuật số và các nền tảng khác hỗ trợ các trung tâm dữ liệu. Dù hữu ích, hướng dẫn này vẫn bị hạn chế về tính minh bạch, khi mà các công ty không có nghĩa vụ phải chia sẻ thông tin.
Trách nhiệm của những ông lớn công nghệ
Trách nhiệm làm cho cuộc sống số của chúng ta bền vững hơn không chỉ nằm ở cá nhân mà còn ở cấp độ tổ chức.
Chính phủ nên cung cấp một môi trường pháp lý đòi hỏi sự minh bạch cao hơn về cách các tập đoàn kỹ thuật số sử dụng năng lượn, bao gồm báo cáo về cải thiện tính bền vững qua các hoạt động có được thực hiện hay không.
Tính bền vững kỹ thuật số là một cách hữu ích để định hình tác động của các công nghệ kỹ thuật số đến môi trường. Một biểu hiện của sự tôn trọng tính bền vững chính là các công ty ngừng sản xuất các sản phẩm có tính thực tiễn thấp và tuổi thọ sử dụng ngắn.
Cần phải thừa nhận rằng công nghệ không hoàn toàn là một giải pháp mà vẫn có tác động xấu đến môi trường. Có vậy, chúng ta mới có thể bắt đầu chuyển đổi hiệu quả sang một tương lai bền vững song hành với sự phát triển của công nghệ số.
Nguồn: