Tính đến ngày 24/12, cả ba tuyến cáp quang biển là AAG, IA và AAE-1 đều bị trục trặc, ảnh hưởng đến đường truyền Internet Việt Nam ra quốc tế.

Tuyến cáp AAE-1 kết nối Việt Nam với quốc tế. Ảnh: FPTTelecom
Tuyến cáp AAE-1 kết nối Việt Nam với quốc tế. Ảnh: FPT Telecom

IA là tuyến cáp liên kết khu vực châu Á, gặp sự cố vào 17h ngày 8/12/2019 hướng kết nối từ TP Hồ Chí Minh đi Singapore. Dự kiến tuyến cáp này sẽ sửa xong vào ngày 29/1/2020 (nhánh S2) và ngày 3/2/2020 (nhánh S1), tuy nhiên tiến độ còn “phụ thuộc vào điều kiện thời tiết biển”.

AAG là tuyến cáp biển nối Đông Nam Á với Mỹ, gặp sự cố vào lúc 7h ngày 22/12/2019 hướng kết nối từ Việt Nam đi HongKong, gây mất dung lượng 1.100 Gb. Dự kiến tuyến cáp này sẽ sửa xong vào ngày 28/12/2019 (nhánh S1H) và khôi phục hoàn toàn kênh truyền từ ngày 2/1/2020.

AAE-1 là tuyến cáp nối khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu, cũng thông báo gặp sự cố vào sáng ngày 23/12/2019. Tuy vậy, lỗi này có thể không gây nhiều gián đoạn dịch vụ trên tuyến. Thời gian khôi phục tuyến cáp trên chưa được công bố.

Theo đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), việc cùng một lúc 3 tuyến cáp biển gặp sự cố sẽ làm giảm 30% tổng dung lượng đường truyền Internet của Việt Nam với quốc tế. Trong năm 2019, không ít các hệ thống cáp quang biển liên kết với Việt Nam từng gặp sự cố nhiều lần.

Hiện nay, phần lớn lưu lượng internet tập trung vào 5 nhà cung cấp nội dung toàn cầu là Google, Facebook, Apple, Microsoft, Amazon. Một số nhà cung cấp có hệ thống bộ nhớ đệm (cache) tại Việt Nam, có sử dụng mạng phân phối nội dung (CDN), thì người dùng truy cập có thể chưa nhận thấy chất lượng sử dụng mạng bị giảm sút. Tuy nhiên, nếu truy cập vào các trang thông tin điện tử quốc tế (website), sự ảnh hưởng sẽ rõ ràng hơn.

Khi nhiều tuyến cáp cùng sự cố, người dùng 3G/4G sẽ thấy sự khác biệt rõ nhất vì hiện nay số lượng người dùng internet trên mạng di động của Việt Nam chiếm đa số.

Một số nhà mạng trong nước đã có kế hoạchdùng lưu lượng dự phòng và mở thêm lưu lượng thay thế cho phần thiếu hụt, đồng thời điều chỉnh để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp.