Bằng kỹ thuật di truyền, các nhà khoa học đã tạo ra loại cà chua có thân trông giống như cây bụi thay vì cây leo, và đặc biệt là quả mọc sai như chùm nho.

Đó là thành quả của nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor Laboratory và chương trình HHMI Investigator do giáo sư Zach Lippman dẫn dắt. Kết quả này vừa được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology.

Loại cà chua chỉnh sửa gene có ngoại hình giống như cây bụi và cho quả sai như chùm nho. Ảnh: CSHL.

Loại cà chua chỉnh sửa gene có thân trông giống như cây bụi và quả mọc sai như chùm nho. Ảnh: CSHL.

Canh tác đô thị đang trở thành một xu hướng nhận được nhiều sự quan tâm, với kỳ vọng có thể đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm của các cư dân đô thị, đồng thời giảm thiểu chi phí lẫn tác động lên môi trường từ hoạt động trồng trọt và vận chuyển nông sản. Tuy nhiên, do giá bất động sản đắt đỏ, đặc biệt tại các thành phố lớn, không gian để những loại cây trồng sinh trưởng là rất hạn chế – chủ yếu trong các nhà kho và thùng container.

Để giải quyết thách thức trên, nhóm của Lippman đã khai thác những điểm mạnh của kỹ thuật di truyền trên một số loại cây, biến chúng trở nên nhỏ gọn hơn nhiều so với nguyên bản, trong khi vẫn giữ được nguyên chất lượng. Trong tầm nhìn ấy, cà chua là một loại cây được ưu tiên nhất. Không giống với loại cà chua thông thường được trồng leo trong vườn, phiên bản chỉnh sửa gene này có thân giống như bụi cây và những chùm quả mọc sai như cherry (hoặc nho). Chưa hết, thời gian từ lúc trồng cho tới khi thu hoạch cũng được rút ngắn xuống chỉ còn 40 ngày – một lợi thế cực lớn phù hợp với canh tác đô thị.

Lippman và các cộng sự đã can thiệp vào 2 gene kiểm soát tốc độ sinh trưởng và kích thước của cây, cùng một gene thứ 3 quyết định chiều dài thân cây. Cụ thể đó là 2 gene SP (SELF PRUNING) và SP5G, giúp cây sinh trưởng nhanh và có quả sớm hơn – tuy nhiên điều này cũng ảnh hưởng tới hương vị (do chín quá sớm) và sản lượng. Vì thế, gene SIER quyết định chiều dài thân cây cũng được chỉnh sửa và kết hợp với hai gene đột biến khác (phổ biến trên các loại hoa) làm thân ngắn hơn.

Lippman tỏ ra rất lạc quan về tiềm năng ứng dụng của công nghệ này trên các loại hoa quả khác, chẳng hạn như kiwi … NASA cũng đang rất quan đến những giống cây trồng phù hợp để cung cấp thực phẩm cho phi hành gia trên các chuyến bay dài lên sao Hỏa. “Thành công bước đầu này chứng tỏ chúng ta hoàn toàn có thể canh tác theo cách thức mới, không cần phải đào xớt đất quá nhiều hay bón dư phân để chảy ra sông suối, ao hồ. Đó là hướng tiếp cận mang tính bổ sung, giúp nuôi sống con người, ngay tại chỗ và giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường,” Lippman nhấn mạnh.

Nguồn: