Là một trong năm trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia của Thụy Sĩ, Switzerland Innovation Park Biel/ Bienne (SIPBB) đang bắt tay cùng BK Holdings để đưa mô hình hoạt động của mình đến Việt Nam.

Nhiều sản phẩm được tạo ra cùng với các nhóm nghiên cứu và phát triển liên ngành của SIPBB. Trong ảnh: hai kỹ sư với máy bay không người lái được sản xuất tại chỗ tại SIPBB.
Nhiều sản phẩm được tạo ra cùng với các nhóm nghiên cứu và phát triển liên ngành của SIPBB. Trong ảnh: hai kỹ sư với máy bay không người lái được sản xuất tại chỗ. Ảnh: SIPBB.

Khoảng trống đổi mới sáng tạo

SIPBB là một công viên đổi mới sáng tạo chuyên hỗ trợ các nghiên cứu ứng dụng cho ngành công nghiệp. Vài tuần trước, SIPBB đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với BK Holdings nhằm phát triển một trung tâm “Smart Clean Tech Hub” ở Hà Nội, tập trung vào hai lĩnh vực nhà máy thông minh và năng lượng sạch.

BK Holdings sẽ đóng góp một phần vốn đầu tư, kết quả nghiên cứu khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc phát triển công nghệ; trong khi SIPBB sẽ đem đến nguồn tài chính, kinh nghiệm triển khai mô hình kinh doanh và mạng lưới các đối tác công nghiệp.

TS. Thomas Gfeller, người sáng lập SIPBB, là một doanh nhân khởi nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí chính xác. Ông đang làm việc cho một số tập đoàn công nghiệp ở Thụy Sĩ dưới vai trò chủ tịch hoặc giám đốc sản phẩm. Gfeller có tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán và "muốn mọi thứ được thực hiện không phải trên giấy tờ mà trên thực tiễn".

Năm ngoái, Thomas Gfeller gặp gỡ TS. Nguyễn Trung Dũng, giám đốc của BK Holdings, trong một chương trình kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu do Swiss EP tổ chức. Hai bên nhanh chóng nhận ra tiềm năng của nhau và thảo luận về những giá trị chung để đi đến kết luận rằng họ sẵn sàng bắt tay vào xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo ngay giữa lòng Hà Nội.

“Về cơ bản, trung tâm này sẽ là nơi cung cấp một cơ sở hạ tầng và dịch vụ để các đối tác công nghiệp và khoa học gặp gỡ nhau”, ông Gfeller mô tả.

Đó sẽ là nơi mà các nhà cung cấp công nghệ, doanh nghiệp lớn, startup và cả doanh nghiệp SMEs đến để thực hiện những dự án R&D do những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp dẫn dắt, nhằm tìm ra giải pháp giúp nhà máy của họ sản xuất thông minh hơn, có quy trình hiệu quả hơn hoặc tạo ra được những sản phẩm có thể thương mại trên thị trường một cách nhanh chóng. Đó cũng là nơi mà các doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm hoặc đo lường công nghệ tìm đến, và là nơi mà những công ty khởi nghiệp muốn mở văn phòng, nhà xưởng hoặc phòng thí nghiệm có thể thuê không gian.

Đây chính xác là những gì SIPBB đang làm ở Thụy Sĩ và họ muốn lặp lại mô hình này tại Việt Nam. Tòa nhà sáu tầng của SIPBB với tổng diện tích mặt sàn 15.500m2 được ngợi ca là nơi “tất cả know-how và nguồn lực cần có cho một dự án” cùng cư ngụ dưới một mái nhà.

Bên trong khối kiến trúc hiện đại nằm giữa khung cảnh cổ kính của thị trấn Biel là bốn trung tâm nghiên cứu ứng dụng đẳng cấp quốc tế và hàng chục dự án có tính chất thay đổi ngành công nghiệp địa phương. Khoảng 750 người đang học tập, nghiên cứu và làm việc tại đây. Tất cả trang thiết bị, máy móc và không gian của SIPBB đều được định hướng theo tinh thần đổi mới sáng tạo. Ở đây cũng triển khai chế độ hội viên (membership), cho phép các doanh nghiệp truy cập vào các dịch vụ, cơ sở vật chất và mạng lưới đối tác khoa học của trung tâm.

SIPBB thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình gọi vốn "Smart Factory Breakfast Pitch" ngay tại sảnh của mình. Ảnh: SIPBB
SIPBB thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình gọi vốn "Smart Factory Breakfast Pitch" ngay tại sảnh của mình. Ảnh: SIPBB

SIPBB tự hào về mô hình hoạt động của mình bởi nó thực sự hiệu quả và giúp họ có lãi. Thành lập cách đây hơn 10 năm, trong giai đoạn đầu SIPBB cũng nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía Chính phủ Thụy Sĩ, nhưng đến hai năm trước, họ đã chính thức không cần các khoản trợ cấp. Ông Gfeller nhấn mạnh rằng SIPBB đã tạo ra những giá trị đủ lớn để ngành công nghiệp và những công ty cung cấp công nghệ chủ động tìm đến họ. 90% cổ đông hiện tại của SIPBB đến từ khu vực tư nhân.

SIPBB kiếm tiền để trả lương cho các nhà khoa học và mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu bằng những khoản đến từ việc cung cấp dịch vụ nghiên cứu phát triển, bán nền tảng công nghệ, cho thuê không gian, ươm tạo và đầu tư vào các startup. Với quy trình hoạt động chuyên nghiệp, SIPBB tự ví mình như một “cỗ máy” đổi mới sáng tạo không ngừng giúp các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.

SIPBB bước chân vào Việt Nam trong bối cảnh thị trường này cực kì khan hiếm những trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc viện nghiên cứu phục vụ hiệu quả ngành công nghiệp. Trên thực tế, sự kết hợp giữa các ngành công nghiệp và giới khoa học ở Việt Nam luôn ở trong tình trạng đứt gãy, khó khăn. Có rất ít dự án bắt tay giữa doanh nghiệp và viện trường. Đa số chúng quan tâm đến các ứng dụng phần mềm hoặc công nghệ thông tin chung cho nhiều ngành hơn là những công nghệ sâu hoặc đột phá trong từng lĩnh vực cụ thể.

Trường đại học, nơi tập trung nguồn chất xám nghiên cứu dồi dào, bị cản trở bởi các cơ chế công và thiếu tư duy thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp có nhu cầu lại không biết tìm nhà cung cấp công nghệ đáng tin cậy ở đâu. Những trung tâm đổi mới sáng tạo ra đời như một không gian tập trung mọi điều kiện cần và đủ để thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Và ở đó, các nhu cầu dịch vụ có thể được quản lý một cách chuyên nghiệp.

Lĩnh vực giao thoa

Khi nói đến viễn cảnh về một trung tâm đổi mới sáng tạo chung mà họ tạm gọi là “Smart Clean Tech Hub”, TS. Thomas Gfeller lý giải rằng đó là sự giao thoa của các lĩnh vực mà cả SIPBB và Đại học Bách khoa Hà Nội (với đại diện là BK Holdings) đều quan tâm.

SIPBB ra đời trong bối cảnh ngành công nghiệp địa phương của họ (vốn chuyên về cơ học vi mô và sự chính xác) đã phát triển đến mức chín muồi nhưng vấp phải những thách thức mà nhiều ngành công nghiệp khác ở châu Âu phải đối mặt: đổi mới sản phẩm và quy trình sản xuất. Nhìn ra khắp thế giới, họ thấy một loạt công nghệ mới nổi lên giúp khu vực sản xuất trở nên hiệu quả hơn, từ việc sử dụng cảm biến, robot, cobot, trí tuệ nhân tạo, in 3D và phần mềm tích hợp.

SIPBB nhanh chóng tập trung nguồn lực của mình để phát triển hai trung tâm nghiên cứu về công nghệ sản xuất tiên tiến (Advanced Manufacturing) và nhà máy thông minh (Smart Factory). Trung tâm đầu tiên tập trung vào việc sử dụng công nghệ in 3D kim loại và hệ thống kéo sợi cáp quang để giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo ra các sản phẩm nguyên mẫu (prototype) và sản xuất tốt hơn. Trung tâm thứ hai tập trung vào các công nghệ số 4.0, tạo nên các module theo dõi toàn bộ vòng đời sản phẩm và hệ sinh thái sản xuất từ khâu thiết kế sản phẩm đến đóng gói.

SIPBB cũng quan tâm đến công nghệ pin lưu trữ – xu hướng mà thế giới đang theo đuổi. Bởi nhiều nước đang phải chuyển dịch các hệ thống năng lượng, sản xuất và giao thông vận tải của mình từ chỗ thiên về nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, mà những hệ thống mới này ít nhiều đều đả động đến pin, nên việc đầu tư vào phát triển các công nghệ pin có hiệu năng cao và bền vững là điều cần thiết. Tại trung tâm công nghệ pin (Battery Technology) của mình, SIPBB đã bắt tay với một vài startup giao hàng dặm cuối để phát triển các thế hệ pin và hệ thống tổng thể cho xe điện hai bánh chở hàng lên tới 210kg.

TS. Thomas Gfeller, giám đốc Innovation Park Biel, trình bày về mô hình đề xuất hợp tác giữa hai bên. Ảnh:  BK Holdings
TS. Thomas Gfeller, giám đốc Innovation Park Biel, trình bày về mô hình đề xuất hợp tác giữa hai bên. Ảnh: BK Holdings

Điều tuyệt vời là tất cả những lĩnh vực mà SIPBB đang giữ thế mạnh đều nằm trong tầm ngắm phát triển của Việt Nam trong 10-20 năm tới. Nghĩa là các trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam sẵn sàng dồn nguồn lực để phát triển những công nghệ này. BK Holdings cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có nhiều nghiên cứu trong cả ba lĩnh vực kể trên và đang sở hữu một đội ngũ khoa học thuộc top đầu. Do vậy, việc hợp tác với SIPBB có khả năng tạo ra lợi thế win-win cho cả hai bên.

Giờ đây, cả hai đều đang tăng tốc để biến trung tâm “Smart Clean Tech Hub” ở Hà Nội thành hiện thực. Nó sẽ không chỉ đơn giản là xây một tòa nhà làm việc như SIPBB mà còn là cuộc lôi kéo khu vực tư nhân vào trong đó. Hành trình này không hề đơn giản. Họ phải chứng minh cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thấy rằng những sản phẩm công nghệ của họ có chất lượng cao và khả thi trên thị trường.

Thomas Gfeller tiết lộ, việc kích hoạt trung tâm có thể thông qua một vài dự án tiên phong, chẳng hạn như phát triển các trạm sạc xe điện cùng một số hãng xe điện trong nước. Họ đang nhắm đến những đối tác như Vinfast và hy vọng có thể sớm giới thiệu kế hoạch của mình tới các doanh nghiệp. Dự án này vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch kinh doanh và đề suất đầu tư, nhưng nhiều khả năng chúng sẽ vận hành vào cuối năm 2023.