Cuộc thi SheCodes Hackathon 2019 đã chứng tỏ các “bóng hồng” lập trình của Việt Nam có khả năng tạo ra những sản phẩm hữu ích và sẵn sàng học hỏi.
Đây là lần thứ hai
cuộc thi được tổ chức bởi cộng đồng SheCodes Vietnam. Cuộc thi lần này diễn ra trong 2 ngày cuối tuần 13-14/7 tại Hà Nội. Bên cạnh các workshop và Techtalk chia sẻ về lập trình, hơn 130 thí sinh nữ đã lập thành các nhóm để cùng xây dựng và phát triển phần mềm hoặc ứng dụng công nghệ trong thời gian thần tốc.
Cuộc thi gồm 5 hạng mục: bạo lực học đường, môi trường, sức khỏe, giao thông và giải yêu thích nhất, tuy nhiên hạng mục giao thông không có ai tham gia. Chung cuộc, 19 đội đã hoàn thành sản phẩm và thuyết trình kết quả của mình.
Nhiều ý tưởng thú vị của cuộc thi đã giành giải thưởng.
Ở hạng mục bạo lực học đường, đội Wind đã thắng cuộc khi tạo ra một website để mọi người có thể chia sẻ câu chuyện của mình khi bị bắt nạt, trang web sẽ tìm cộng tác viên từ các nguồn như sinh viên theo học ngành tâm lý để tư vấn cho cho các bạn.
Đội Lê Hồng Hạnh Đội thắng giải hạng mục sức khoẻ với sản phẩm app điện thoại có khả năng dự đoán tuần tới tháng của phụ nữ, từ đó gợi ý các bài tập thể dục hợp lí với thể trạng của người dùng.
Với mong muốn tái sử dụng các chai/cốc đựng đồ uống nhiều lần, đội thắng giải môi trường, Girls who run the world, tạo nên 1 app cho người dùng tích điểm mỗi khi mang chai/cốc đến nhà hàng mua đồ. Khi tích đủ điểm người dùng có thể đổi ra coupon mua hàng.
Đội thắng giải yêu thích, Elision, có ý tưởng về một
website hỗ trợ tâm lí giúp phụ huynh kết nối với các bác sĩ tư vấn để hỏi đáp vấn đề liên quan đến hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của con cái.
Ban giám khảo nhận xét, các thí sinh tham gia thực sự nỗ lực rất lớn. Hơn một nửa thí sinh đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngoài ra cũng có các bạn am hiểu các lĩnh vực khác như kinh doanh, marketing,…
Theo thống kê, 30% thí sinh trong cuộc thi là học sinh cấp 3, gần 50% là sinh viên đại học và khoảng 20% là người đã đi làm. Không chỉ đến từ Hà Nội, SheCodes Hackathon còn thu hút được các bạn từ nhiều tỉnh xa xôi như Nghệ An, Đà Nẵng, Hội An, Hồ Chí Minh…
Thí sinh Giang Lê chia sẻ, “Mình thấy thật tuyệt vời vì đã quyết định tham gia hành trình 2 ngày này. Nhờ đó mình được gặp gỡ những con người vô cùng tuyệt vời và giỏi giang, thấy được những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.”
Không chỉ có những thí sinh dự thi dâng trào cảm xúc, những thành viên ban tổ chức cũng vô cùng tự hào. Diệu Linh, trưởng điều hành dự án, cho biết để chuẩn bị cho sự kiện lần này, họ đã phải bắt đầu từ con số 0 - không tiền, không địa điểm, không quan hệ. Dự án khởi động từ tháng 2/2019, các thành viên đều là những bạn còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20.
“Trước lúc bắt đầu, có người còn nói làm gì có cộng đồng nữ giới nào đam mê và sẵn sàng dấn thân vào công nghệ ở Việt Nam. Sự kiện này của bọn mình thành công là một minh chứng rằng luôn có cộng đồng đó, chỉ là họ chưa có đất dụng võ thôi”, Diệu Linh nói.
Trong suốt 2 ngày diễn ra sự kiện có thể cảm nhận rất rõ sự đam mê và lòng nhiệt thành của tất cả mọi người. Các mentor dù chạy đi chạy cả ngày mệt mỏi nhưng vẫn hỗ trợ các bạn nữ code hết mình, đến tận 5-6 giờ sáng hôm sau. Các thí sinh nữ cũng không kém phần “máu lửa”, có những bạn không học hay làm việc trong ngành công nghệ thông tin nhưng vẫn sẵn lòng học hỏi từ sáng đến tối mịt. Thậm chí có em gái lớp 10 đi xe từ Nghệ An lên Hà Nội để học và thi, hay những bạn tranh thủ cuối tuần từ TP Hồ Chí Minh bay ra để hòa mình vào cộng đồng.