Theo Science, các nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản), đứng đầu là Giáo sư Takuzo Aida đã nghiên cứu thành công chất liệu mới mang tên "polyether-thioureas". Chất liệu này cứng và có đặc điểm giống như thủy tinh nhưng lại có thể phục hồi sau khi vỡ với lực nhấn nhẹ bằng tay.
Aida cho biết, khả năng cơ học cao là khả năng tự "chữa lành vết thương" của vật liệu thường có khuynh hướng loại trừ lẫn nhau. Do đó, hầu hết vật liệu thường có khả năng tự phục hồi sau khi rơi vỡ buộc phải cần nhiệt độ cao, từ 120 độ C trở lên. Nhưng với "polyether-thioureas", chỉ cần ghép 2 mảnh vỡ với nhau và giữ trong vài giây là chúng tự kết dính và phục hồi như khi chưa bị vỡ.
Việc tạo ra vật liệu mới là vô tình. Theo Guardian, ban đầu một thành viên trong nhóm là sinh viên Yu Yanagisawa muốn tạo ra loại keo kết dính mới. Tuy nhiên, vật liệu sau khi tạo thành không những có thể gắn lại với nhau, mà còn có thể phục hồi vết nứt chỉ với lực tay không quá mạnh trong môi trường có nhiệt độ 21 độ C.
Các nhà khoa học kỳ vọng, vật liệu mới sẽ sớm được áp dụng vào thực tế, bởi việc sản xuất nó cũng không quá phức tạp. Smartphone, máy tính và các thiết bị di động khác có thể được ứng dụng "polyether-thioureas" đầu tiên nhờ vào khả năng tự phục hồi này.
Trước đó, các nhà hóa học thuộc Đại học California và Đại học Colorado (Mỹ) đã khám phá ra một vật liệu tự phục hồi có thể kéo dài đến 50 lần so với kích thước ban đầu. Vào tháng Tám, Motorola cũng đã được cấpbằng sáng chế cho một màn hình hiển thị tự chữa lành. Tuy nhiên, hiện những vật liệu trên vẫn chưa được ứng dụng vào đời sống.