Công ty khởi nghiệp Forsea Foods tại Israel đang phát triển một giải pháp sáng tạo để sản xuất loại thịt cá chình bằng công nghệ nuôi cấy tế bào (cell-cultured).

Chìa khóa nằm ở công nghệ organoid (cơ quan tế bào) đã được cấp bằng sáng chế và ứng dụng khá rộng rãi trong các lĩnh vực y học, sinh học, ... Organoid là cấu trúc mô ba chiều dẫn xuất từ tế bào gốc, có khả năng phát triển thành những sản phẩm như thịt mà chỉ cần một lượng yếu tố kích thích tăng trưởng tối thiểu.

Thịt cá chình được sản xuất bằng công nghệ tế bào. Ảnh: Forsea Foods.

Thịt cá chình được sản xuất bằng công nghệ tế bào. Ảnh: Forsea Foods.

TS. Iftach Nachman từ ĐH Tel Aviv – nhà đồng sáng lập Forsea – giải thích: công nghệ organoid cho phép thiết lập một môi trường lý tưởng để các tế bào phát triển thành cơ và thành phần chất béo tự nhiên. “Khác với quá trình nuôi cấy [tế bào] dựa trên cơ chế khác biệt hóa có định hướng (tế bào phát triển thành những loại cụ thể gắn trên giá thể), phương pháp do chúng tôi phát triển hoàn toàn có thể giúp tổng hợp các loại tế bào khác nhau ngay từ giai đoạn đầu. Chúng sẽ tự tổ chức thành những cấu trúc bẩm sinh mang mục đích giống như trong tự nhiên.”

Kết quả thu được là các miếng filet ngon lành, mang hương vị, kết cấu và thành phần dinh dưỡng không thua gì hải sản nuôi hoặc đánh bắt. Ngoài ra, sản phẩm cũng không chứa những chất gây ô nhiễm và cực kỳ độc hại như thủy ngân, vi nhựa,… Nhà công nghệ sinh học Roee Nir – CEO kiêm nhà đồng sáng lập Forsea – khẳng định: “Công nghệ organoid mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết, đó là một nền tảng cho khả năng mở rộng tốt, có thể bỏ qua giai đoạn giá thể và cần rất ít tác nhân sinh học. Điều này giúp quá trình trở nên đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn nhiều.”

Nhân sự chủ chốt của Forsea: Yiftach Nachman, Roee Nir và Yaniv Elkouby. Ảnh: Forsea Foods.

Nhân sự chủ chốt của Forsea: Yiftach Nachman, Roee Nir và Yaniv Elkouby. Ảnh: Forsea Foods.

Forsea Foods được thành lập từ tháng 10 năm ngoái và nuôi dưỡng bởi The Kitchen FoodTech Hub (một vươn ươm sáng tạo và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp). Ngoài ra, công ty còn nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan Đổi mới Israel (IIA) và tập đoàn Strauss-Group. Các nhân sự chủ chốt gồm có Nir, Nachman và TS. Yaniv Elkouby - chuyên gia công nghệ tế bào, nhà nghiên cứu cấp cao tại ĐH Hebrew (Jerusalem).

Amir Zaidman - Phó Giám đốc Phát triển Kinh doanh của The Kitchen Hub khẳng định: “Nhu cầu thủy sản toàn cầu là rất lớn và không có dấu hiệu chậm lại, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Tuy nhiên, nhân loại đang nhanh chóng tiến tới viễn cảnh là không còn đủ cá trên biển để đáp ứng nhu cầu. Giải pháp sáng tạo của Forsea hứa hẹn sẽ mang lại sự đột phá tích cực, thông qua việc cung cấp một sản phẩm thay thế sạch, thơm ngon, bổ dưỡng và khả thi về mặt thương mại cho hải sản đánh bắt tự nhiên, trong khi vẫn đảm bảo sự nguyên vẹn của hệ sinh thái đại dương.”

Mặc dù công nghệ của Forsea hoàn toàn có thể được ứng dụng để nuôi bất cứ loại hải sản nào nhưng công ty đang tập trung mọi nỗ lực vào việc sản xuất thịt cá chình (lươn). “Cá chình là món ngon được nhiều người săn đón, đặc biệt tại Đông Á. Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt quá mức trong những thập niên gần đây đang khiến loài này đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ riêng tại Nhật Bản, lượng cá chình tiêu thụ đã giảm khoảng 90 - 95%, qua đó đẩy giá thành lên khủng khiếp: 70 USD/ kg.”

Hình ảnh quảng bá sản phẩm cá chình sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy tế bào. Ảnh: Forsea Foods.

Hình ảnh quảng bá sản phẩm cá chình sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy tế bào. Ảnh: Forsea Foods.

“Nhu cầu trên thị trường cá chình là rất lớn. Năm 2000, người Nhật tiêu thụ tới 160.000 tấn nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 30.000 tấn. Có một khoảng trống cung – cầu rất lớn mà nghề NTTS truyền thống không thể đáp ứng. Hay Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã cấm xuất khẩu cá chình. Vì thế, đây là một cơ hội tốt cho sản phẩm cá chình được sản xuất bằng công nghệ tế bào,” Nir kết luận.