Việt Nam có khoảng 700 đơn vị làm EdTech, chủ yếu tập trung vào hệ thống học, thi trực tuyến và ngoại ngữ; trong khi các thị trường ngách hầu như còn bỏ ngỏ.

Tiềm năng tăng trưởng

Năm 2021, công nghệ giáo dục (EdTech) tiếp tục nằm trong top 3 các ngành được các nhà đầu tư quan tâm và rót tiền, với con số ước tính hơn 158 triệu USD. Dự báo, thị trường edTech Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Thông tin trên được ông Nguyễn Trí Hiển, Đồng trưởng làng Công nghệ giáo dục TECHFEST Vietnam đưa ra tại tọa đàm “E-learning hậu Covid-19: Cơ hội cho người tiên phong” do Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA (TOPICA EdTech Group) tổ chức ngày 10/9 tại TPHCM.

Ông Hiển cho biết, thị trường EdTech đang ngày càng tăng trưởng và nhiều tiềm năng. Việt Nam thuộc top 10 thị trường EdTech phát triển nhanh nhất thế giới (khoảng 44,3%/năm) và là nằm trong top 15 quốc gia có số người dùng Internet cao nhất. Đồng thời, trong nước đã triển khai thành công 4G và đang thúc đẩy thử nghiệm 5G,… Dự đoán vào năm tới, đầu tư vào edtech tiếp tục tăng trưởng mạnh khi các hình thức sáp nhập và mua lại ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, các startup EdTech nước ngoài cũng tăng cường đưa sản phẩm và dịch vụ vào thị trường Việt Nam.

Thị trường ngách và các xu hướng khác

Ông Hiển cho biết thêm, hiện tại Việt Nam có khoảng 700 đơn vị làm EdTech, tuy nhiên tập trung chủ yếu vào hệ thống học, thi trực tuyến và ngoại ngữ. Hiện chưa có sản phẩm nào chiếm lĩnh hoàn toàn các thị trường ngách (phòng thí nghiệm, lớp học ảo; ứng dụng kết nối phụ huynh và nhà trường; vẽ và sáng tạo nghệ thuật 3D;,... ). Vì vậy, thị trường EdTech còn rất nhiều tiềm năng, là cơ hội mở cho các đơn vị startup phát triển.

Diễn giả ch
Diễn giả chia sẻ về xu hướng thị trường EdTech trong thời gian tới tại Việt Nam. Ảnh: KA

Theo ông Hiển, xu hướng các đơn vị EdTech cần quan tâm trong thời gian tới gồm Blended Learning (học tập tổng hợp) với nhiều hình thức khác nhau như online trên thiết bị di động, cá nhân hóa việc học,…; Giải trí trong học tập (thực tế tăng cường, trò chơi); Chú trọng chỉ số sống sót SQ (SQ Survival quotient) để xây dựng những nội dung thực tiễn, nội dung cần tích hợp,… “Các đơn vị cần tập trung vào sự khác biệt của sản phẩm, đẩy mạnh trải nghiệm người dùng và giữ người dùng trong chính sản phẩm của mình”, ông Hiển chia sẻ.

TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, giáo dục hiện nay cần hướng tới cho mọi người và suốt đời. Để làm được điều này, bài toán của E-learning phải thay đổi tư duy. Nếu trước đây, các đơn vị làm về E-learning thường bám sát vào nội dung chương trình học, từ đó xây dựng bài giảng hỗ trợ thì giờ đây, E-learning không chỉ thuần túy là công nghệ được tích hợp vào chương trình giáo dục, mà cần phải đổi mới sáng tạo để có thể giải quyết được những "điểm nghẽn" trong giáo dục hiện nay như chưa cung ứng đủ các dịch vụ giáo dục trong nhà trường, việc huy động nguồn lực xã hội phát triển giáo dục còn hạn chế,...

Theo TS Cường, các công nghệ cần được ứng dụng trong thời gian tới để phát triển thị trường EdTech như AI, Big data, Blockchain, học thực - ảo, chuyển từ LMS (hệ thống quản lý học tập) sang LXP (nền tảng trải nghiệm học tập), tiếp cận Digital Twin NFT (bản sao kỹ thuật số) gắn với người học,… “Công nghệ và khả năng ứng dụng các công nghệ mới vào sản phẩm, dịch vụ chính là chìa khóa để các EdTech tại Việt Nam bứt phá trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất vẫn là sự phối hợp giữa công nghệ, tiềm năng sản phẩm, tiềm lực của doanh nghiệp và sự đón nhận của khách hàng. Đây là điều kiện và cũng là cơ hội cho những đơn vị tiên phong đổi mới và biết nắm bắt thời cơ”, TS Cường nhấn mạnh.