Đây là chất phụ gia hóa học có thể làm thay đổi thời gian dậy thì ở trẻ em, và một số nước đã cấm sử dụng chúng trong đồ chơi và đồ dùng chăm sóc trẻ em.
Phthalat có tính hóa dẻo nên thường được sử dụng trong công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em, áo mưa, đồ nhựa,… Trong mỹ phẩm, phthalat có trong các sản phẩm như keo vuốt tóc, dầu gội đầu kem dưỡng da, son môi,… để tạo độ tươi mới, mịn, làm mềm da,… và tăng độ trơn bóng, sáng màu, bền màu, dễ bám dính hơn ở nước sơn móng tay.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, phthalat làm thay đổi thời gian dậy thì ở cả bé trai và gái, gây rối loạn estrogen, dẫn đến thúc đẩy quá trình ung thư vú, ảnh hưởng đến chức năng gan,… Ngoài ra, phthalat còn ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ, giảm sự tỉnh táo, rối loạn tăng động, giảm chú ý, viêm mũi, hen suyễn,… Vì ảnh hưởng không nhỏ của phthalate, một số nước đã cấm sử dụng chúng trong đồ chơi và đồ dùng chăm sóc trẻ em.
Một số công trình nghiên cứu đã sử dụng phương pháp LC-MS (sắc ký lỏng đầu dò khối phổ) và GC-MS (sắc ký khí ghép khổi phổ) để phân tích phthalat trong thực phẩm, mỹ phẩm, bao bì,… Tuy nhiên, chưa có công trình nào trong nước sử dụng phương pháp này để xác định đồng thời một số phthalat có trong nước sơn móng tay. Trong khi đó, nước sơn móng tay là một trong số các mỹ phẩm được sử dụng phổ biến và việc kiểm soát chất lượng mỹ phẩm là yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, cần có quy trình phân tích đồng thời một số phthalat cầm và được phép sử dụng, với giới hạn cho phép trong nước sơn móng tay, nhằm đảm bảo chất lượng mỹ phẩm tại Việt Nam.
Vì vậy, nhóm tác giả ở Đại học Y dược TPHCM đã thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình định lượng đồng thời một số hợp chất phthalat trong nước sơn móng tay bằng kỹ thuật LC-MS và GC-MS”.
Một số phthalat được dùng trong nghiên cứu gồm dimethy phthalat, diethyl phthalat, diisobutyl phthalat,… cùng các dung môi n – hxen, aceton, methanol,… Thiết bị sử dụng là hệ thống sắc ký khí , đầu dò khối phổ, bể siêu âm, cân phân tích,…
Với phương pháp GC – MS, trong khoảng thời gian 15 phút, có thể xác định được 20 phthalat, với giá trị LOD (giới hạn phát hiện) từ 0,03 – 0,3 ppm, LOQ (giới hạn định lượng) từ 0,01 – 1 ppm. Còn phương pháp LC – MS, trong khoảng thời gian 23 phút, có thể xác định 19 phthalat, với LOD từ 0,3, LOQ từ 1 ppm.
Cả hai phương pháp trên đều có tính đặc hiệu, giới hạn phát hiện và định lượng thấp, cho độ chính xác cao (trên 80%). Quy trình do nhóm xây dựng, có thể áp dụng vào việc kiểm soát các phthalat trong nước sơn móng tay trên thị trường.
Đề tài nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua.