Trong Dilemma Game, người chơi bị đặt vào các tình huống khó xử về đạo đức và liêm chính học thuật và phải chọn phương án giải quyết mà họ cho là tối ưu.

Trò chơi này được giới thiệu tại Hội nghị Thế giới về Liêm chính học thuật diễn ra ở Cape Town, Nam Phi, vào tuần trước.

Các nhà phát triển cho biết mục đích của Dilemma Game (Trò chơi Tiến thoái lưỡng nan) là để cộng đồng nghiên cứu có thể cùng thảo luận các vấn đề đạo đức và liêm chính học thuật khó xử và ít khi được công khai.

Hơn 12.000 người đã chơi thử Dilemma Game trong 6 tháng qua, bao gồm các nhà nghiên cứu ở Bỉ, Nigeria, Ý, Estonia, Cộng hòa Séc, Ấn Độ, Đan Mạch và Thổ Nhĩ Kỳ. Bất kỳ ai cũng có thể tải trò chơi này từ các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại di động.

Trang tin Nature đã phỏng vấn Nick den Hollander, người phụ trách vấn đề chính sách học thuật tại Đại học Erasmus Rotterdam, Hà Lan, nơi phát triển Dilemma Game.

Giao diện Dilemma Game

Ông có thể giới thiệu về Dilemma Game và cách thức hoạt động của nó?

Nick den Hollander: Trò chơi đưa ra các tình huống khác nhau để mọi người suy nghĩ và thảo luận. Những tình huống khó xử này được viết từ góc nhìn của một nghiên cứu sinh, giảng viên hoặc biên tập viên tạp chí; và bao gồm bối cảnh vấn đề.

Một ví dụ: “Tôi là một nghiên cứu sinh, tôi đã gửi bài báo của mình đến một tạp chí danh tiếng và đã bị từ chối. Nhưng người hướng dẫn của tôi có thể giúp tôi, bởi vì họ quen ai đó trong ban biên tập. Nếu tôi thêm tên người hướng dẫn vào bài báo với tư cách là một tác giả, bài báo sẽ được xuất bản. Tôi nên làm gì?"

Người chơi có 4 phương án giải quyết để lựa chọn. Phương án thứ nhất có thể là: “Tôi nên từ chối lời đề nghị này và gửi đơn khiếu nại lên ủy ban đạo đức, bởi vì người hướng dẫn của tôi đang cố gắng thực hiện hành vi gian lận”. Một phương án khác có thể là: “Tôi nên thêm tên người hướng dẫn, cũng không quá tệ vì nội dung bài báo vẫn như cũ, và đôi khi chúng ta cần một chút giúp đỡ”. Và còn hai phương án khác. Sau khi người chơi đã chọn một phương án, họ có thể xem bảng thống kê phương án lựa chọn của những người chơi khác để biết mình có suy nghĩ giống mọi người hay không. Mục đích chính của trò chơi là mở ra một cuộc thảo luận.

Vậy câu trả lời cho tình huống khó xử đó là gì?

Không có câu trả lời đúng. Nhưng trong một số tình huống, Dilemma Game sẽ chỉ ra phương án gần nhất với hướng dẫn trong Quy tắc ứng xử của Hà Lan về tính liêm chính trong nghiên cứu. Khi người chơi đã chọn phương án, họ có thể đọc một bài đánh giá chuyên môn về góc nhìn của từng câu trả lời, được viết bởi Trưởng khoa Triết học của Đại học Erasmus. Mục đích là để làm cho người chơi suy nghĩ về lý do vì sao họ đã lựa chọn phương án đó.

Có bao nhiêu tình huống khó xử?

Cho đến nay, đã có hơn 100 và vào thứ Hai đầu mỗi tháng, chúng tôi thêm một số tình huống mới. Tôi đã viết hầu hết các tình uống trên cơ sở các câu hỏi mà người dùng gửi đến. Tôi hy vọng các tình huống thực sự tương đồng với những gì các nhà nghiên cứu gặp phải trong sự nghiệp.

Dilemma Game có kế hoạch nghiên cứu phản hồi của người chơi không?

Sẽ rất thú vị nếu có thể xem cách mọi người ở các giai đoạn sự nghiệp hoặc chuyên môn khác nhau trả lời các tình huống. Nhưng ý tưởng này rất khó thực hiện vì các quy định về quyền riêng tư nghiêm ngặt của Dilemma Game. Chúng tôi chỉ biết có bao nhiêu người đã tải ứng dụng và họ ở quốc gia nào. Trong năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng ứng dụng để có thể thu thập thêm thông tin, và bao gồm các loại vấn đề về tính liêm chính khác, chẳng hạn như quấy rối.

Nguồn: