Theo ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban quản lý di tích, rặng duối 18 cây có tuổi đời 1.000 năm ở di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) - được công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2011 - hiện chỉ còn lại 15 cây,

Một thân cây duối bị đổ gẫy do ảnh hưởng bão số 1, ngày 28/7. Ảnh: Tường Huy
Một thân cây duối bị đổ gẫy do ảnh hưởng bão số 1, ngày 28/7. Ảnh: Tường Huy

Ngày 28/7 vừa qua, một thân của cây duối lớn sát đường đã đổ gập do ảnh hưởng của cơn bão số 1. “Cây duối bị đổ có 2 thân, phần thân gãy đổ ra phía đường cái. Do bị mục và có vết nứt dài hơn 1m trên thân, cộng thêm phần gãy nổi cách gốc chỉ khoảng 70cm nên không thể cứu được phần thân này” - ông Sơn nói.

Để bảo vệ phần còn lại của cây duối, ngày 2/8, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã cưa phần thân duối bị gãy; phần thân lành được vun lại gốc, néo bằng dây thép để cố định, sau đó phun thuốc kích thích rễ. Trước đó một thời gian, ban quản lý cũng đã tiến hành cưa gốc 2 cây duối bị chết khô.

Ông Phạm Hùng Sơn cho biết, thị xã Sơn Tây đang phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai - Hà Nội) triển khai dự án chăm sóc hàng duối di sản. Các chuyên gia đã tiến hành cắt tỉa cây ký sinh, cắt bỏ cành vô hiệu, phun thuốc vi lượng trên lá. Sau đó, các cây duối được bón phân đa lượng vào gốc và phun thuốc chống nấm.

Cũng với mục đích phục hồi rặng duối di sản, thị xã Sơn Tây cũng mời một số nghệ nhân sinh vật cảnh tiến hành chiết cành ở những cây duối khác để trồng nhằm giữ nguyên trạng nguồn gene duối cổ.

“Chúng tôi đã kiến nghị với Cục Di sản, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam rằng sau khi xếp hạng cây di sản, cục và hội cần có quy trình bảo vệ và bảo tồn với hàng cây này; từ đó hướng dẫn người dân địa phương biết cách chăm sóc cho hàng cây di sản này sống lâu hơn nữa” - ông Phạm Hùng Sơn bày tỏ.