Cũng khám cho cây bằng siêu âm
Theo tiến sỹ (TS) Phạm Anh Tuấn - Phó Giám đốc Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất, Đại học Lâm nghiệp, vấn đề sức khỏe và sinh trưởng của loài xích tùng tại Rừng quốc gia Yên Tử đang thực sự đáng báo động.
Kết quả điều tra hiện trạng cho thấy, trong tổng số 263 cây được thống kê, 30 cây đã chết, 233 cây còn lại đều có vấn đề về sức khỏe như sâu bệnh, nghiêng tán, bật gốc và rễ nổi... Riêng đường tùng cổ thụ - một không gian, cảnh quan thiên nhiên đặc biệt ấn tượng với chiều dài 237m - có tổng cộng 69 cây thì 7 cây đã chết, 51 cây bị rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại.
“Cây xanh được ví như con người, bộ rễ như chân bám sâu xuống đất. Tổn thương ở bộ phận nào cũng đều khó phục hồi, vấn đề của gốc rễ càng đặc biệt nghiêm trọng” - TS Tuấn nhấn mạnh. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 80% số cây xích tùng ở Yên Tử gặp các vấn đề về gốc rễ, 45% gặp vấn đề ở thân, 90% gặp vấn đề về tán lá.
Về thủ phạm gây bệnh, GS-TS Trần Văn Mão - Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển lâm nghiệp bền vững - cho biết đã phát hiện một số loài thuộc họ xén tóc, mối hại, 5 loài nấm gây bệnh loét thân, mục lõi và mục giác, rỗng ruột, 6 loài tảo mọc trên thân cây. “Trong đó, bệnh mục và loét thân, xén tóc nguy hiểm hơn cả” - ông Mão nói.
Để phát hiện bệnh cho xích tùng cổ, ngoài quan sát thực địa, ThS Đào Ngọc Tú - Trung tâm Tài nguyên và Môi trường lâm nghiệp - tiết lộ: “Thời gian tới, khi dự án “Chăm sóc, bảo tồn cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử” được triển khai, chúng tôi sẽ sử dụng thiết bị siêu âm để soi lại những cây bị xén tóc, thân nấm… làm hại trước khi tiến hành loại bỏ vết mục”.
Là người từng tham gia bảo tồn xích tùng ở Trung Quốc, GS Mão đánh giá cao thiết bị công nghệ này: “Máy siêu âm này nhỏ, chỉ bằng bàn tay, dễ dàng vận chuyển và phù hợp với địa hình rừng núi. Đặc biệt chỉ cần đặt nó ở bên ngoài là có thể phát hiện xén tóc trong thân cây”.
“Thuốc” chữa bệnh cho cây
Để cứu xích tùng Yên tử, các nhà khoa học đã chuẩn bị một số phương án chăm sóc, chữa trị, bù vết thương… “Chúng tôi lập bảng đánh giá, căn cứ trên các tiêu chí để phân loại mức độ nguy cấp của cây, từ đó sẽ chọn giải pháp cho từng cây khác nhau” - ông Tú giải thích.
“Việc chăm sóc vết thương cho cây cũng giống như chăm sóc vết thương cho người, nghĩa là phải chữa thương cho lành rồi bôi thuốc chống nấm xâm nhập, khi cây đã liền da mới bù vật liệu” - TS Tuấn cho biết thêm.
Để đắp bù vật liệu cho các vết mục rỗng trên thân xích tùng, trước tiên các chuyên gia phải nạo vét, cạo bỏ lớp mục, sau đó bôi thuốc điều trị và kháng sâu bệnh. Tiếp đến, họ lấp đầy phần mục rỗng bằng một hỗn hợp vữa ximăng để tránh sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, các giải pháp cắt tỉa cành, tán khô, bệnh, giải pháp trụ chống và giằng néo cũng được đề xuất. Theo TS Phạm Anh Tuấn, việc chống đỡ và giằng néo đã được tiến hành với các cây xích tùng Yên Tử, nhưng trong quá trình triển khai, một số kỹ thuật được áp dụng một cách máy móc nên hiệu quả mang lại không cao.
“Ở các nước phương Tây hay Nhật Bản, khi giằng néo cây, người ta thường dùng chăn bông để đệm, nhưng ở nước ta khí hậu ẩm nên nếu dùng chăn bông sẽ gây nấm. Một số cây xích tùng đã bị chết cũng vì lý do này” - ông Tuấn chia sẻ.
Giải pháp thay thế mà ông và cộng sự đưa ra là dùng đệm caosu và tính toán làm bản thép rộng để tăng cường độ cứng. Ông cũng nhấn mạnh: “Đặc tính vùng núi rừng Yên Tử là độ ẩm cao nên khi tiến hành chữa bệnh cho cây, phải xử lý sao cho phù hợp với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất đấy”.
Một vấn đề khiến các chuyên gia đau đầu là bộ rễ nổi của xích tùng cổ Yên Tử đang bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cây. Bộ rễ nổi lại là yếu tố làm nên nét đặc thù có một không hai, góp phần tạo nên tính hấp dẫn của tuyến đường hành hương Yên Tử. Làm thế nào để vừa bảo vệ được sức khỏe của cây, vừa giữ được nét đẹp riêng có của tuyến đường?
Theo TS Phạm Anh Tuấn, cần giảm thiểu tác động của con người lên con đường này bằng cách cải tạo nó từ dạng đường đi sang hình thức đá “dậm bước” theo phong cách vườn cảnh của Nhật Bản để hạn chế khách hành hương tác động vào bộ rễ.
GS Mão cho rằng, đối với xích tùng cổ ở Rừng quốc gia Yên Tử, hiện nay chỉ có cách phòng bệnh để cứu vãn. Do đó, cần cải tạo đường tùng. “Tôi cho rằng cách tốt nhất là làm rào chắn để ngăn cách khách du lịch, tránh giẫm lên gốc tùng. Đây là phương pháp mà Trung Quốc đã áp dụng thành công” - GS Mão nói.