Phượng tím rụng hoa quá nhiều làm tắc ống lọc nước, cây tràm hút cạn nước thành phố, hoa liễu và bạch dương gây phiền toái cho người dân… là những phiền phức mà các loài cây đẹp gây ra cho nhiều thành phố trên thế giới, khiến chính quyền phải tìm cách khắc phục.

Những năm cuối thế kỷ 20, các thành phố thuộc quận Palm Beach ở bang Floria, Mỹ xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Đến năm 1990, thủ phạm “ngốn nước” được phát hiện, đó chính là những cây tràm vốn được trồng rất nhiều từ những năm 1940-1950. Chính quyền đã buộc phải xúc tiến một loạt chương trình nhằm loại bỏ hàng nghìn cây tràm.

Phượng tím nở rợp trời ở pố Santa Ana, California, Mỹ. Ảnh: Latimes
Phượng tím nở rợp trời ở pố Santa Ana, California, Mỹ. Ảnh: Latimes

Còn các đường phố ở khu vực phía nam bang California (Mỹ) nổi tiếng với vẻ đẹp của cây phượng tím (Jacaranda). Loài hoa tím thơ mộng nở rợp trời này từng được Lễ hội hoa phượng tím đầu tiên tổ chức năm 1931 ở California tôn vinh là loài hoa có màu tím xanh đẹp nhất trên thế giới. Sau lễ hội, nhiều thành phố lên cơn sốt trồng phượng tím. Năm 1933, phượng tím được đánh giá là cây hoa đẹp nhất Los Angeles. Hiện nó cũng là cây trồng đường phố phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Thế nhưng vào năm 2000, người dân ở Yorba Linda - một thành phố ngoại ô quận Cam, Californa - đã yêu cầu chính quyền chặt hàng chục cây phượng tím mọc gần nhà họ. Các cư dân than phiền rằng hoa phượng tím nở và rụng quá nhiều làm tăng rác thải và gây tắc ống lọc nước.

“Phượng tím đẹp nhưng không nên trồng ở gần nhà. Lá và hoa của chúng rụng quá nhiều trên sân và hiên nhà, rất khó quét sạch” - Larry Mansfield - một cư dân sống Yorba Linda - phàn nàn.

Tương tự, cư dân các thành phố và hạt của Honolulu (Mỹ) cũng từng phàn nàn về rác từ cây trồng đô thị. Nhiều người mong muốn cây được trồng cách xa nhà họ. Một số người còn kiến nghị thành phố nên trồng nhiều loại cây khác nhau để giảm các cây trồng tạo ra lượng rác lớn từ hoa, lá, cành.

Không chỉ vấn đề rác, cây liễu và bạch dương ở Bắc Kinh, Trung Quốc còn khiến người dân gặp phải các nguy cơ về sức khỏe. Theo thống kê của Cục Quy hoạch và Lâm nghiệp Bắc Kinh, cả thành phố này có khoảng 1,9 triệu cây bạch dương và 1,1 triệu cây liễu; 30-40% trong số đó là cây cái, có thể ra hoa. Tơ từ bông liễu và bạch dương bay trong không khí khiến cư dân không dám mở cửa sổ vì sợ hít phải.

“Khi người dân không thể mở cửa sổ vì các bông hoa bay lượn, họ thường gọi điện nhờ chúng tôi trợ giúp” - kỹ sư Che Shaochen - thuộc Viện Khoa học quy hoạch Bắc Kinh - cho biết. Để giải quyết phiền toái từ bông liễu và bạch dương, từ năm 2003, Bắc Kinh đã tiến hành chương trình tiêm hóa chất và chuyển đổi giới tính cho cây cái thuộc 2 loài này, khiến chúng không thể ra hoa. Đến nay, đã có khoảng 800 cây liễu, 50.000 cây bạch dương được tiêm hóa chất và phẫu thuật chuyển giới - những biện pháp có thể làm tổn hại sức khỏe của cây.