Việc nên trồng cây rễ cọc hay rễ chùm trên các tuyến phố Hà Nội để tránh bật gốc khi mưa bão vẫn chưa được các nhà khoa học thống nhất. Các đô thị ở Việt Nam chỉ mới có quy hoạch cho đất xanh chứ chưa có quy hoạch cây xanh.

Cây lớn bật gốc gây nguy hiểm cho người đi đường, cản trở giao thông là cảnh quen thuộc ở Hà Nội và TPHCM mùa mưa bão. Việc hàng loạt cây đổ khi cơn bão số 1 đi qua Hà Nội cách đây ít ngày lại một lần nữa đặt ra vấn đề kỹ thuật trồng và cách chọn giống cây đã khoa học hay chưa.

Rễ cọc hay rễ chùm?

Có rễ cọc phát triển sâu là một trong các tiêu chuẩn chọn cây đô thị mà TS Đặng Văn Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất, Đại học (ĐH) Lâm nghiệp - nêu ra. Thực tế, nhìn phần gốc bật lên của những cây bị đổ trên phố, người ta thường không thấy rễ cọc. Tuy nhiên, chuyện chọn “cọc hay chùm” cũng không đơn giản như 1 + 1 = 2.

Một cây xà cừ bị bật gốc trên phoos Trần Xuân Soạn ngày 28/7/2016. Ảnh: Công Kha
Một cây xà cừ bị bật gốc trên phố Trần Xuân Soạn ngày 28/7/2016. Ảnh: Công Kha

“Mực nước ở Hà Nội rất nông, xuống đến đầu gối đã có nước thì cây không thể chịu được. Vì vậy, việc trồng cây rễ cọc ở Hà Nội chỉ là lý thuyết. Loại cây này phù hợp hơn với vùng đất đồi như Phú Thọ, Yên Bái” - GS Ngô Quang Đê - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp nói.

Mực nước ngầm cao cũng được TS Hà coi là một nguyên nhân gây đổ cây: “Cây đổ ở Hà Nội có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là thời tiết, mực nước ngầm cao, không gian sinh trưởng dưới mặt đất hạn chế, ảnh hưởng tới sự phát triển của rễ. Chủ quan là chăm sóc cây chưa thường xuyên, kỹ thuật cắt tỉa kém, nhiều nơi cây trồng quá cao, tán quá rộng”.

Từ thực tế tại TPHCM và Hà Nội, các chuyên gia đều nhận xét rằng nhiều loại cây phổ biến như bằng lăng, me, phượng, sấu… rất hiếm khi bị bật gốc. Đây đều là cây rễ cọc. Trong các loại cây bị bật gốc, “quen mặt” nhất là xà cừ.

“Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xà cừ đã chứng tỏ là không phù hợp bởi rễ nông, tỏa gốc lớn. Trong khi đó, hàng sao ở phố Lò Đúc lại vững chãi trước mọi cơn bão và hiện là hàng cây đẹp nhất Hà Nội” - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Phạm Sỹ Liêm nói. Tại TPHCM, cây sao cùng với loài bản địa khác là cây dầu được trồng nhiều từ thời Pháp và chứng minh được khả năng chịu mưa bão; nhưng chúng ít được trồng mới vì thuộc loại cây lớn chậm.

Tiêu chuẩn chọn cây: Mâu thuẫn lý thuyết và thực tiễn

Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm - Hiệp hội cây xanh - phân tích: “Việc cây bị bật gốc ít phụ thuộc kỹ thuật trồng mà chủ yếu do chất đất trồng. Cây được trồng trên vỉa hè là nơi có quá nhiều công trình chen chúc như đường điện, cấp thoát nước, điện thoại... nên bộ rễ không phát triển được”.

Tiêu chuẩn cho cây đô thị.
Các tiêu chuẩn cho cây đô thị.

Theo TS Hà, có tình trạng này là do việc trồng cây đường phố được tiến hành khi đã hoàn tất các hạng mục khác như lát vỉa hè, thi công công trình ngầm, các bên lại chưa phối hợp ăn ý: “Anh cây xanh chỉ biết cây xanh, anh công trình ngầm chỉ biết công trình ngầm, vì thế có hiện tượng đua nhau ra mép vỉa hè. Vỉa hè rộng 6-7m nhưng đất trồng cây bóng mát chỉ khoảng 1-1,2m”.

Ngoài ra, ông Hà cho rằng tiêu chuẩn cây đưa vào trồng trên đường phố có mâu thuẫn nhất định giữa lý thuyết và thực tiễn: “Ví dụ tiêu chuẩn là cây có thân thẳng, phân cành cao từ 3m trở lên, rễ cọc ăn sâu. Nhưng cây giống lúc đưa vào trồng lại trông như cái cọc, chẳng có cành có lá thì lấy đâu mà phân cành từ 3m trở lên; hay trồng cây lớn đường kính 15-20cm, thậm chí một số người còn ngẫu hứng chọn cây có đường kính 20-25cm cho hoành tráng, khi bứng đưa vào trồng thì phần rễ cọc đã bị cắt bỏ.

Chưa có quy hoạch cây xanh đô thị

Hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc, Hà Nội. Ảnh: Châu Long
Hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc, Hà Nội. Ảnh: Châu Long

Ngoài chuyện đổ cây, các chuyên gia cũng nêu ra các vấn đề khác của việc trồng cây xanh đô thị như tính thẩm mỹ. GS Ngô Quang Đê nhận xét: “Việt Nam nói chung vẫn chưa có quy hoạch cây xanh đô thị. Lâu nay, bên kiến trúc mới chỉ có quy hoạch cho đất xanh, tức thiết kế khu nào trồng cây, khu nào xây dựng, chứ chưa chỉ ra được đất đó phù hợp với cây gì. Vì chưa có quy hoạch nên đến nay, việc trồng cây trên đường phố ở Việt Nam còn khá lôm nhôm, mỗi đường có 5-7 loại cây, dẫn đến cảnh quan không được gọn đẹp, đồng đều”.

GS Đê cũng cho biết, các đô thị ở Việt Nam thường có từ 25-30 loại cây trồng, trên cả nước có khoảng 100 loài cây trồng đô thị. Đây là con số tương đối hợp lý. Tuy nhiên, không nên trồng đồng loạt một loại cây mà nên kết hợp để tạo đa dạng cảnh quan và hỗ trợ phát triển sinh thái, hạn chế sâu bệnh.