Các sản phẩm phụ (by-product) của cá nuôi, nếu được khai thác hiệu quả, sẽ giúp ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) cải thiện tính bền vững, đồng thời tạo thêm nhiều đóng góp cho những lĩnh vực khác như chăn nuôi, sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm,…
Đó là kết luận của một nghiên cứu (*) do Viện Nuôi trồng Thủy sản thuộc Đại học Stirling (Anh Quốc) thực hiện. Các tác giả nhận thấy đầu, xương, thịt vụn, da hay nội tạng cá nuôi thực sự là một nguồn tài nguyên chưa được tận dụng hết. Tình trạng này, nếu được cải thiện, sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành NTTS châu Âu.
Với tư cách là một thành viên dự án Tăng cường Nuôi trồng Thủy sản xanh Châu Âu (GAIN), TS. Wesley Malcorps (cũng từ ĐH Stirling) nhận định: phần lớn những loại cá được nuôi phổ biến, chẳng hạn cá hồi Đại Tây Dương, cá chẽm Châu Âu, cá tráp, cá chép, cá bơn,… vẫn đang bị lãng phí ở khâu chế biến, cả trên quy mô công nghiệp lẫn tại hộ gia đình.
“Mặc dù các phụ phẩm nghe có vẻ không mấy ngon miệng, nhưng chúng thật ra rất hữu ích và hoàn toàn có thể được tận dụng cho nhiều mục đích khác như để sản xuất thức ăn bổ sung trong chăn nuôi,… Nghiên cứu của chúng tôi còn cho thấy: việc xử lý cá nguyên con sẽ mang lại tổng sản lượng thịt cao hơn đáng kể (64-77%) so với việc chỉ lấy phần phi-lê (30-56%) như thông thường. Phần đầu, xương và thịt vụn của hầu hết mọi loài cá còn hứa hẹn bổ sung vào nguồn cung cấp thực phẩm, thông qua những sản phẩm ở dạng chất lỏng hoặc đã qua chế biến, chẳng hạn cá thái lát tẩm bột (fish finger), nước sốt và viên cá,… Bên cạnh đó, chúng cũng có thể được chiết xuất thành các sản phẩm giàu dinh dưỡng như bột protein, dầu cá hay chất bổ sung collagen – cho giá trị kinh tế rất cao. Chưa hết, nội tạng cá còn được tận dụng trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống như da cá, do chứa hàm lượng protein, axit béo omega-3 cao và độ tro thấp,” Malcorps nói.
Hiện tại, khoảng 33% phụ phẩm cá nuôi đang được sử dụng để làm thành bột cá, dầu cá, chất thủy phân protein,… và tỷ lệ này đang có xu hướng ngày càng gia tăng, hứa hẹn giúp ngành NTTS cải thiện tác động môi trường.
“Ngành NTTS châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn nhập khẩu, sản phẩm của các hệ thống sản xuất trên biển và trên đất liền, VD: bột cá, dầu cá, đậu tương,… Phương án xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn thay thế – với các nguyên liệu không được khai thác từ biển, trên thực tế chỉ làm dịch chuyển phạm vi tác động từ biển sang đất liền, đồng thời còn tiềm ẩn một số rủi ro đối với sức khỏe và phúc lợi vật nuôi,” Malcorps nhận định.
Sau cùng, nghiên cứu cũng chỉ ra những ứng dụng công nghiệp tiềm năng của các phụ phẩm cá nuôi, trong ngành sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, bao bì,… “Chúng ta có thể chiết xuất collagen và gelatine từ da cá, một nguồn thay thế lý tưởng cho gia súc. Ngoài ra, da cá cũng rất phù hợp để được sử dụng làm da thuộc trong ngành thời trang,”Malcorps bổ sung.
Giáo sư Dave Little, cũng từ Viện Nuôi trồng Thủy sản Sterling, người giám sát nghiên cứu cho rằng: “Việc khai thác hết những giá trị của cá nguyên con là một thành tố quan trọng của chính sách khuyến khích sản xuất thủy sản bền vững. Mặc dù còn một số vấn đề liên quan đến công nghệ và cơ sở hạ tầng cần được đầu tư vốn để giải quyết, nhưng chúng tôi tin rằng việc tận dụng các phụ phẩm sẽ mang lại rất nhiều giá trị. Điều này giúp cho ngành NTTS tăng cường đầu ra (output) mà không cần sử dụng thêm tài nguyên”.
(*) Nghiên cứu Nutritional characterisation of European aquaculture processing by-products to facilitate strategic utilisation (Tạm dịch: Đặc điểm dinh dưỡng của các phụ phẩm chế biến thủy sản, cơ sở để thúc đẩy chiến lược tận dụng) đã được xuất bản trên tạp chí Frontiers in Sustainable Food Systems.
Hải Đăng (theo The Fish Site)