Quán karaoke đã cháy là khó cứu
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, trong vòng 10 tháng tính đến đầu tháng 11/2016 đã có 23 vụ cháy tại các cơ sở karaoke, bao gồm vụ cháy làm 13 người chết ở đường Trần Thái Tông (Hà Nội).
Kết quả kiểm tra của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội tại 988 quán karaoke, bar, vũ trường cho thấy, 80% không đảm bảo các điều kiện PCCC. Việc nhiều quán karaoke hiện nay vốn được chuyển đổi công năng từ nhà ở, văn phòng khiến an toàn PCCC giảm nghiêm trọng.
Theo TS Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Chữa cháy, Đại học PCCC, Hà Nội, nhà ống có một lối vào, một cầu thang và các phòng nhỏ khi chuyển thành quán karaoke không đảm bảo yêu cầu về số cầu thang thoát nạn, chất lượng đường thoát nạn. Các quán này lại hay lắp đèn LED quá lớn, bịt kín lối ra bancông nên lực lượng chữa cháy khó tiếp cận phía trong.
Lực lượng PCCC nỗ lực khống chế ngọn lửa đang thiêu rụi 4 nhà cao tầng trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/11/2016. Ảnh: Nam Trần
ThS Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng Nghiên cứu phòng, chống cháy, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - phân tích nguyên nhân khiến các đám cháy quán karaoke có hiệu quả dập lửa và cứu nạn thấp: “Khách là đối tượng sử dụng chính nhưng mang tính chất tạm thời, không biết cách sử dụng các khu chức năng, lối thoát nạn nên khi có cháy, số người tử vong thường lớn hơn ở các công trình khác có quy mô tương tự”.
Ngoài ra, ở quán karaoke, khi có hoả hoạn, nhiều người đang ở tình trạng kém minh mẫn do chất kích thích; âm thanh, ánh sáng trong phòng lại lấn át các tín hiệu báo cháy nên không kịp thời thoát hiểm. Trong khi đó, lực lượng chữa cháy khó vào trong do cầu thang hẹp, khói bao phủ.
Lực lượng PCCC nỗ lực khống chế ngọn lửa đang thiêu rụi 4 nhà cao tầng trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/11/2016. Ảnh: Nam Trần
Ngay với những tòa nhà không thuộc dạng chuyển công năng, nguy cơ xảy ra thảm kịch khi có cháy cũng rất cao do khâu thiết kế. Ông Nguyễn Anh Tuấn - kiến trúc sư (KTS) của Ngân hàng Quân đội - chia sẻ: “Vì lợi nhuận, nhiều chủ bỏ một số quy chuẩn trong bản thiết kế. Họ bảo KTS không cần vẽ đầy đủ, mọi việc họ sẽ tự lo và KTS chỉ có thể làm theo yêu cầu đó".
Ông Tuấn cho biết, KTS lẽ ra phải giải quyết tất cả các bài toán mà yêu cầu về PCCC đề ra. Khi thiết kế hoàn thiện, KTS có nhiệm vụ gửi sang bộ phận kiểm duyệt của cơ quan PCCC để họ tư vấn và đánh giá về phương diện PCCC.
Phải trông cậy vào nhiều giải pháp
Theo ThS Giang, khả năng cứu hỏa, thoát nạn khi có cháy không chỉ nằm ở tốc độ phản ứng của lực lượng PCCC hay công nghệ dập lửa, mà trước hết nằm ở thiết kế toà nhà. Các công trình nhà cần đáp ứng tiêu chuẩn QCVN 06:2010/BXD. Cụ thể, cần đảm bảo khả năng đứng vững của kết cấu chịu lực dưới tác động của lửa và tải trọng thông thường...
“Để con người thoát ra an toàn khi cháy, nhóm nhà thuộc các công trình văn hóa, thể thao đại chúng như nhà hát, rạp chiếu phim, phòng hoà nhạc, câu lạc bộ… và các công trình có số chỗ ngồi tính toán cho lượng khách nhất định trong các gian phòng kín phải có ít nhất 2 lối thoát nạn mỗi tầng. Trường hợp có 1 lối thoát nạn chỉ áp dụng nếu chiều cao từ mặt đường đến mép dưới cửa sổ tầng trên cùng không quá 15m, diện tích không quá 300m2, số người có mặt ở mỗi tầng không quá 20 và lối thoát nạn phải đi trực tiếp vào buồng thang bộ, có cửa đi có khả năng chịu lửa trong tối thiểu 45 phút” - ông Giang cho biết.
Cầu thang thoát nạn ở Việt Nam phải có bản thang rộng tối thiểu 0,9m. Ảnh: Pephre
Theo ông Tuấn Anh, quy chuẩn QCVN 06:2010/BXD quy định chiều rộng thang thoát nạn tối thiểu là 0,9m. Chiều cao thông thủy các đoạn nằm ngang của đường thoát nạn ít nhất 2m, chiều rộng thông thủy các đoạn nằm ngang của đường thoát nạn và các đoạn dốc ít nhất 1,2m đối với hành lang chung dùng để thoát nạn cho từ 15-50 người.
“Ngoài ra, phải có giải pháp chống sự xâm nhập của khói, lửa vào đường thoát nạn, để người sử dụng chỉ cần vào đến đó là được an toàn trước tác động của khói, chỉ cần di chuyển để ra ngoài” - ThS Giang nói.
Về giải pháp dập lửa, đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội - cho biết, vật liệu chữa cháy chủ yếu hiện nay là nước. Nếu cháy do xăng, dầu thì phải dùng bọt và bột. “Bọt và bột chữa cháy tốt nhưng rất đắt, một bình chữa cháy nhỏ giá khoảng 300.000 đồng, nếu dùng cho các đám cháy lớn thì chi phí rất cao” - ông Thiều chia sẻ.
ThS Giang nhấn mạnh: “Có một nguyên tắc chung là không được phép đặt niềm tin vào giải pháp duy nhất mà phải áp dụng đồng thời nhiều giải pháp. Việc thiết kế nhà để đảm bảo an toàn cháy cần tuân thủ pháp luật. Nếu bạn đã chịu bỏ tiền cho thiết kế, hãy tôn trọng ý kiến của nhà tư vấn trong bản thiết kế đã được chấp thuận áp dụng (cả trong quá trình thi công lẫn khai thác) để giảm thiểu rủi ro khi có cháy”.