Các cô gái chế tạo vệ tinh tư nhân đầu tiên cho châu Phi. Ảnh: MEDO/Carla de Klerk/Vimeo
Ban đầu, nhóm nữ sinh định chế tạo vệ tinh cỡ nhỏ sử dụng bong bóng thời tiết, nhưng sau đó họ quyết định thay đổi quy mô dự án và lập trình các vệ tinh vũ trụ có thể thu thập dữ liệu hình ảnh nhiệt, hiển thị những nơi có thể xảy ra hạn hán và lũ lụt trong tương lai. Đây là điều dễ hiểu bởi hiện tượng El Nino đã khiến Nam Phi mất 9,3 triệu tấn ngô trong vụ xuân 2016.
Với sự hướng dẫn của các kỹ sư về vệ tinh vũ trụ thuộc Đại học Kỹ thuật Cape Peninsula, nhóm nữ sinh đã thiết kế và lập trình cho vệ tinh để có thể bay quanh Trái đất và quét bề mặt lục địa châu Phi. Sau khi vào quỹ đạo, nó sẽ gửi dữ liệu hình ảnh nhiệt chi tiết 2 lần/ngày để chống thiên tai và cải thiện an ninh lương thực trong khu vực.
“Chúng tôi cố gắng xác định và dự đoán các vấn đề mà châu Phi phải đối mặt trong tương lai” - Brittany Bull - một học sinh tham gia dự án nói. “Chúng tôi sẽ có thể biết nơi nào cây lương thực phát triển tốt, nơi nào có thể trồng thêm, đồng thời có thể theo dõi các nơi xa xôi hẻo lánh… Nơi chúng tôi sống có nhiều vụ cháy rừng, lũ lụt và chúng tôi thường không nhận được thông tin đúng lúc”.
Vệ tinh của các cô gái đã được Tổ chức Phát triển kinh tế Meta của Nam Phi mua lại để phóng vào năm tới. Đây sẽ là vệ tinh tư nhân đầu tiên của châu Phi được phóng vào vũ trụ. Nhóm nữ sinh kể trên đang muốn mở rộng số thành viên gồm các cô gái đến từ Namibia, Malawi, Kenya, Rwanda như một cách truyền cảm hứng cho các học sinh nữ châu Phi về STEM.