Nhiệm vụ trọng tâm của Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM trong năm 2016 là đưa vi mạch đến gần hơn với các đơn vị sản xuất. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lê Thái Hỷ, trong 12 nhiệm vụ trọng tâm của ngành thông tin và viễn thông TP.HCM, sau vấn đề quy hoạch, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch được đặt lên hàng đầu.
Công ty Nghiên cứu thị trường Gartner đánh giá, Việt Nam được ghi nhận như một thị trường mới nổi (emerging market) cấp 1 về ngành gia công phần mềm ở khu vực châu Á, nằm trong top 5 thị trường ở châu Á.
Theo ông Lê Thái Hỷ, ngành sản xuất vi mạch của TP.HCM có khả năng tạo đột phá vì Việt Nam có nhiều thị trường tiềm năng lân cận, điển hình là Nhật Bản. Đó chính là lý do TP.HCM xác định phải phát triển một sản phẩm chủ lực. Hơn 10 năm kiên trì với mục tiêu này, TP.HCM đã có nhiều vi mạch được phát triển thành công.
Ba năm qua, những sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến như Modem GSM thu thập dữ liệu từ xa, điện kế điện tử, hệ thống quản lý và định vị nguồn phóng xạ, hệ thống giám sát Container CTS-01, thiết bị giám sát hành trình xe ô tô X200...
Các sản phẩm vi mạch của TP.HCM còn ứng dụng trong các công trình chiếu sáng thông minh, hệ thống giao thông và mới đây là chip kiểm soát, chống gian lận thương mại ở các trạm xăng.
Đáng tiếc, số sản phẩm này tìm được đầu ra còn khá ít, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp (DN) ứng dụng chip trong nước gần như chưa có.
Theo ông Lê Thái Hỷ, định hướng của Sở Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới là sẽ phát triển thêm vi cơ điện tử, phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch bán dẫn, MEMS Việt Nam, xây dựng phòng thí nghiệm, tăng cường sản xuất vi mạch...
Do vậy, rất cần Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra các hàng rào bảo trợ cũng như tạo điều kiện để DN sản xuất vi mạch Việt Nam có thể thắng thầu các chương trình sản xuất thiết bị điện tử.
"Cả nước có khoảng 5 DN sản xuất vi mạch thì phần lớn lại là DN liên kết với Trung Quốc. DN bản địa rất khó khăn để đưa sản phẩm ra thị trường", ông Hỷ nói.
Một khó khăn khác của ngành là nhân lực. GS-TS. Nguyễn Thanh Nam, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, hiện Sở Thông tin và Truyền thông đã có những đầu tư nhất định để Đại học Quốc gia TP.HCM nghiên cứu vi mạch, đồng thời hỗ trợ các chương trình nghiên cứu phát triển sản phẩm, thí điểm sản xuất chip.
Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nhân lực cho lĩnh vực vi mạch vẫn còn chưa đủ cầu. Ước tính, TP.HCM cần hơn 2.000 kỹ sư cho ngành sản xuất vi mạch, vậy mà trong ba năm qua, chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố mới chỉ đào tạo được hơn 250 cán bộ kỹ thuật chất lượng cao, phục vụ cho cả các địa phương và phục vụ cho lĩnh vực an ninh quốc phòng.
GS. Đặng Lương Mô, cố vấn cấp cao Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) cho rằng, Bộ Thông tin - Truyền thông nên có những chính sách hỗ trợ cụ thể để DN sản xuất thiết bị có thể mạnh dạn hơn với chip Việt. Chip Việt đang cần sự hỗ trợ để đi vào đời sống.
Trước "đơn đặt hàng" này, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đây cũng là một thách thức dành cho đội ngũ quản lý. Thời gian vừa qua, tính chi phối, điều tiết của Bộ vẫn chưa cao, công tác liên kết giữa các ngành vẫn còn lỏng lẻo.
Thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh vấn đề này để giúp DN tháo gỡ phần nào khó khăn trong việc phát triển công nghệ thông tin, truyền thông nói chung và công nghiệp sản xuất vi mạch nói riêng. Hy vọng, với sự cởi mở này, DN sản xuất chip Việt sẽ sớm tìm được đường đưa sản phẩm ra thị trường.