Quyết tâm “phục thù” vì trước đó đã từng thất bại không ít lần, Hoàng Phạm Gia Khang (Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM) đã xây dựng nên hệ thống quản lý sức khỏe thông minh “ẵm” về giải 3 tại Cuộc thi Thử thách sáng tạo trẻ.

Khang tâm sự: “Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất là chiến thắng chính bản thân mình và phải biết bước qua những ranh giới để có thể tiếp thu những cái mới mẻ, thú vị hơn”.

Chia sẻ về lý do thất bại trong những lần tham gia kỳ thi về khoa học kỹ thuật, cậu học trò mê khoa học cho rằng, do không thể sắp xếp thời gian hợp lý cho việc học và nghiên cứu, bế tắc trong khâu hoàn thiện ý tưởng và cả những vấn đề kỹ thuật. Vì thế, tại cuộc thi thử thách sáng tạo với Intel Gallileo năm 2015 là cơ hội để Khang khắc phục tất cả những sai phạm đã mắc để có một sản phẩm hoàn thiện hơn.

Phạm Hoàng Gia Khang (bên phải) nhận giải 3 tại cuộc thi Thử thách sáng tạo trẻ 2015.
Phạm Hoàng Gia Khang (bên phải) nhận giải 3 tại cuộc thi Thử thách sáng tạo trẻ 2015.

Cậu học trò mới 17 tuổi đã ấp ủ một dự án trong tương lai với một hệ thống quản lý sức khỏe kết hợp với nhà thông minh theo mô hình IoT- Internet of Things đang rất thịnh hành và được nhiều người yêu khoa học trên thế giới quan tâm hiện nay.

Hệ thống quản lý sức khỏe CareneXt được xây dựng nhằm kiểm soát các điều kiện của thời tiết và cơ thể để cảnh báo sớm các tình huống nguy hiểm. Hệ thống sẽ phát thông báo khi người dùng gặp sự cố thông qua các thông số về nhiệt độ và độ ẩm không khí, cũng như chức năng cảnh báo tai nạn và đột quỵ. Hơn thế nữa, dữ liệu thu thập được có thể gửi đến nhà thông minh (sẽ phát triển trong tương lai) để thay đổi các thiết bị trong nhà sao cho phù hợp với nhu cầu và tình trạng của người dùng.

Để xây dựng thành công hệ thống quản lý sức khỏe, Khang đã phải suy nghĩ rất nhiều về các tính năng cũng như về mặt thiết kế sao cho thiết bị có thể dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng và tạo cảm giác tin tưởng cho người dùng.

Sau 3 tháng nghiên cứu, Khang đã cho ra mắt bản thử nghiệm sản phẩm. Lúc mới đưa ra để kiểm tra tính năng trên con người, không ai dám cho Khang thử nghiệm đeo vào người vì thiết bịđó trông thật… đáng sợ, board mạch lộ hết ra ngoài, hệ thống đèn liên tục nhấp nháy. Khang đem cho mọi người xem thì ai cũng bảo “nguy hiểm quá, nhìn không ai dám mặc”.

“Thế là em phải thiết kế lại lớp vỏ bên ngoài bằng vải rồi gắn đèn lên trên cho giống nhân vật Người sắt trong bộ phim cùng tên “Iron man” để tăng tính thẩm mỹ hơn phiên bản đầu. Từ đó, em rút ra được bài học là sản phẩm của mình cần phải thân thiện hơn đối với mọi người, kể cả về giao diện và cả phương thức sử dụng, sao cho hợp mắt để có được sự yêu thích và tin tưởng từ mọi người”,Khang chia sẻ thêm.

CareneXt bao gồm: 1 mạch xử lý nhỏ gọn (7x5x2 cm) được gắn vừa vặn trên ngực áo thun, phần mềm CareneXt trên điện thoại và bộ CareMonitor. Bộ xử lý trên áo sử dụng board mạch Arduino Lilypad với ưu điểm cực kỳ bền và chống thấm nước, kết hợp cùng các cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm, tư thế cùng hệ thống truyền phát sóng radio và bluetooth được thiết kế để có thể tháo rời khỏi áo khi giặt, ủi.

Các dữ liệu từ cảm biển sẽ được kiểm tra và xử lý trong mạch thông qua các thuật toán đánh giá cũng như cảnh báo tai nạn. Kết quả của dữ liệu sẽ được gửi đến điện thoại thông qua Bluetooth. Dữ liệu sẽ được cập nhật liên tục và hiển thị lên màn hình điện thoại. Dữ liệu từ áo còn có thể gửi đến bộ CareMonitor kiểm soát nhà thông minh để thay đổi các thiết bị.

Đặc biệt với chức năng cảnh báo tai nạn, khi hệ thống xác nhận có tình huống nguy hiểm (đột quỵ, tai nạn), chuông báo trên áo sẽ kêu to, điện thoại sẽ gửi tin nhắn đến người thân, bạn bè người dùng theo như số đã lưu cũng như bộ CareMonitor sẽ thông báo đến toàn bộ căn hộ và các nhà gần đó để giúp người dùng có thêm cơ hội được chữa trị.

Trong thời gian tới, Khang sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm bằng cách tạo ra 1 hệ thống quản lý lớn hơn, hiện đại hơn, tiến dần đến mô hình đô thị thông minh có thể sử dụng dữ liệu từ áo.