Nghiên cứu và chế tạo thành công chip vi mạch mới chỉ là bước đi đầu tiên khẳng định thành quả trong phòng thí nghiệm. Để kết quả này nhân rộng và có chỗ đứng trên thị trường còn là cả quá trình gian nan.
Cần những hành động cụ thể
Theo TS Lê Duy Thạc, - Ủy viên Hội đồng khoa học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cơ học và Tin học ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam - từ xưa đến nay chúng ta cũng đã nói nhiều đến ưu tiên, ưu đãi nhưng cần cái cụ thể.
“Ví dụ, các ngành công nghiệp của mình hiện tại ngành nào có thể sử dụng được con chip này thì Nhà nước phải có chính sách để các DN đang sử dụng nguồn tiền ngân sách để nhập khẩu bắt buộc phải sử dụng sản phẩm này nếu nó đạt được tiêu chí nhất định. Có nghĩa là chính các bộ, ngành công nghiệp phải có sự thúc đẩy ủng hộ - ngoài những khái niệm chung chung lợi ích quốc gia thì sự chủ động cần đặt ra yêu cầu để các nhà khoa học nghiên cứu thực tế; tức là phải có hai chiều” - TS Thạc phân tích.
Với ICDREC, ông cho rằng nên chọn sản phẩm có thể ứng dụng được rộng rãi, ví dụ cả trong điện thoại, tivi... có đánh giá khảo sát và chọn sản phẩm tốt để sản xuất. Khi có 1-2 đơn vị ứng dụng với những cơ chế mới thì sẽ nảy sinh nhiều đơn đặt hàng khác. Nghĩa là rất cần có đơn vị đi đầu sử dụng và có đánh giá, từ đó Nhà nước mới có thể hoạch định được chính sách thực tiễn.
Còn KS Kỳ Thiết Bảo - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Thiết Bảo - “bày” cách cần làm hiện nay là sự kết nối với các DN sản xuất cũng như khảo sát nắm bắt nhu cầu thực của họ.
“ICDREC là đơn vị sản xuất linh kiện, phụ kiện thì phải khảo sát được thị trường trong nước và nếu có được hợp đồng xuất khẩu thì tốt. Hướng lâu dài là cung cấp thị trường trong nước. Tuy nhiên, cần chấp nhận giai đoạn ban đầu có thể giảm giá thành để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình” - ông Bảo chia sẻ.
Ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam - cũng cho rằng, ngoài việc DN chủ động thì chính sách nhà nước cũng cần tạo điều kiện.
“Việc cần làm hiện nay là nếu các cơ quan thực tâm muốn thúc đẩy phát triển thì những nơi nào dùng con chip hãy tạo cơ chế khuyến khích họ sử dụng hàng nội địa. Phải đi từ những con số nhỏ rồi mới có thể mong muốn sự bứt phá về sau. Có thể khẳng định hiện thị trường cho con chip này ở Việt Nam không phải là không có, nhưng vào được thị trường đó lại không dễ” - ông Long thận trọng.
Quyết giải bài toán thị trường
Trên thực tế, sản phẩm của ICDREC vừa qua đã thắng thầu và được Tổng công ty Điện lực TPHCM đặt hàng 3.000 thiết bị (DCM - Data Concentration Modem) sử dụng trong các ứng dụng thu thập dữ liệu từ xa nói chung, dữ liệu thu thập qua giao tiếp RS232/RS485 và truyền về trung tâm qua GSM/GPRS.
Không chỉ có vậy, hiện đã có 2 công ty của Nhật Bản ký kết cung ứng chip của ICDREC và thương mại hóa sản phẩm này. Tuy nhiên, ThS Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) - cho rằng đây chỉ là bước đi khởi đầu, bởi bài toán sản xuất còn liên quan đến nhiều yếu tố về vốn, sản xuất ra sao khi các đơn hàng không dừng lại ở con số vài nghìn sản phẩm.
“Hiện nay ngành điện lực đã bắt đầu tin vào sản phẩm, nhưng cái băn khoăn nhất là khi họ đặt hàng thì chúng tôi sẽ sản xuất ra sao?”.
Với điện kế điện tử, nhu cầu cần là 20 triệu cái/cả nước. Điện kế 1 pha 5 năm phải thay một lần. Điện kế 3 pha thì 3 năm phải thay một lần. Rồi sắp tới nhu cầu sẽ phải là điện kế thông minh. Chỉ riêng TPHCM, điện kế thông minh Tổng công ty Điện lực TPHCM đầu tư phải mất khoảng 2 tỉ đôla. Những bài toán như vậy bắt buộc phải tính tới.
Họ cũng đã tín nhiệm ICDREC, nhưng họ lo rằng chỉ với một trung tâm nghiên cứu thì tiềm lực sản xuất có thể đảm bảo tới cỡ nào. Việc sản xuất vài nghìn bộ thì không thành vấn đề, nhưng nếu là hàng trăm nghìn bộ thì sản xuất ở đâu, vốn ra sao? Đây cũng là điều cần lo lắng” - ông Hoàng băn khoăn.
Chia sẻ điều này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng: “Đầu tư một nhà máy vi mạch rất tốn kém, nếu như không có thị trường, sản phẩm không thể sản xuất ở quy mô công nghiệp thì chắc chắn nhà máy không thể sản xuất bình thường được, thậm chí có thể phá sản”.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nếu Nhà nước không hỗ trợ kịp thời bằng những chính sách thúc đẩy các DN trong nước sử dụng để sản phẩm có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp thì chắc chắn sẽ phá sản. Và khi đó, thành công bước đầu này cũng sẽ teo dần.
Cũng nhìn nhận được vấn đề này, ThS Ngô Đức Hoàng cho rằng: “Sản phẩm làm ra mà tiêu thụ quá ít thì chắc chắn là không có tái đầu tư. Nhà nước cũng không bỏ tiền ra được mãi mà phải để thị trường nuôi. Khi đó, một điều chắc chắn rồi 200 con người hiện nay tại ICDREC cũng sẽ ra đi khi sản phẩm của họ không chiếm lĩnh được thị trường”.
Theo ông Hoàng, ở Hàn Quốc họ ủng hộ các tập đoàn trong nước bằng cách đưa ra các “hàng rào” - buộc các doanh nghiệp trong nước phải sử dụng sản phẩm của họ.
“Làm được như vậy sẽ tạo được thị trường, khi đó mới tạo được vòng đời sản phẩm. Có thị trường sẽ buộc sản phẩm phải đối mặt với đòi hỏi của thị trường, vấp phải thực tế khắc nghiệt của thị trường thì người làm ra sản phẩm đó mới biết được nhu cầu thực sự và điều chỉnh sản phẩm cho ngày một tốt hơn.
Thứ hai là thị trường sẽ tạo được giá trị thặng dư để người đó có thể tiếp tục sản xuất mở rộng. Nhà nước muốn đẩy nền công nghiệp nào đó lên thì phải biết cách đẩy thị trường trong nước, rồi sau khi nó đủ lớn mạnh và thỏa mãn nhu cầu thị trường trong nước thì sẽ dễ dàng lan ra nước ngoài. Vì hiện nay nói về chip, cả vùng ASEAN chỉ có Singapore và Malaysia làm được chip và bây giờ là Việt Nam” - ThS Hoàng chia sẻ.
Thừa nhận không dễ để các DN trong nước sử dụng sản phẩm con chip do ICDREC nghiên cứu, chế tạo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: Hiện nay, thực tế rất khó khăn vì các DN trong nước chưa có lòng tin đối với sản phẩm của Việt Nam. Họ thích sản phẩm nhập ngoại, độ tin cậy cao hơn.
Tuy nhiên, quyết tâm đi đến cùng là điều mà Bộ KH&CN đã xác định. Mới đây, trong hội nghị thương mại hóa chip Việt, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng đã đề nghị các DN trong nước ưu tiên các sản phẩm của Việt Nam.
“Nếu chúng ta làm được điều đó thì công nghiệp vi mạch Việt Nam sẽ có cơ hội đuổi kịp các nước có ngành vi mạch phát triển trên thế giới. Tôi rất muốn có phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với sản phẩm vi mạch. Tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, cho nên Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ cho đến khi ra được sản phẩm cuối cùng. Để có thể đạt được những gì như mong muốn, bộ, các nhà khoa học và TPHCM vẫn còn rất nhiều việc phải làm” - Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.