Nhóm nghiên cứu Đại học Tampere, Phần Lan đã chế tạo loại mũi điện tử phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.
Thiết bị mang tên ChemPro 100 eNose này gồm nhiều cảm biến giúp phát hiện những hóa chất dễ bay hơi trong nước tiểu. Kết quả thử nghiệm trên 50 người mắc ung thư tuyến tiền liệt và 15 bệnh nhân u tuyến tiền liệt lành tính cho thấy, độ chính xác là 78%. Tiến sỹ Niku Oksala - trưởng nhóm nghiên cứu - tin rằng đây là lần đầu tiên có cách phân biệt những người mắc ung thư tuyến tiền liệt và người có u tuyến tiền liệt lành tính nhờ phân tích nhanh nước tiểu.
Viện Công nghệ Nano Russell Berrie tại Israel cũng đã tạo ra loại mũi điện tử giúp phát hiện những hợp chất dễ bay hơi do tế bào ung thư sản sinh trong hơi thở. Thiết bị có tên NaNose này gồm hàng loạt cảm biến siêu nhạy làm từ nano vàng, chứa những phân tử có khả năng “bắt” các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi bám vào cảm biến. Mỗi chất hữu cơ sẽ bẻ cong cảm biến theo một góc khác nhau và được nhận diện dựa trên độ cong đó. Thiết bị có độ chính xác 88%.
NaNose đã được nâng cấp để có thể phát hiện ung thư dạ dày qua hơi thở. Họ đã thử nghiệm với mẫu hơi thở của 484 người, gồm 99 người đã được chẩn đoán ung thư nhưng chưa điều trị. Thiết bị đã phát hiện chính xác những người bị ung thư cũng như dấu hiệu tổn thương trong dạ dày dễ phát triển thành khối u.
Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Technion, Israel cũng chế tạo mũi điện tử có khả năng phát hiện ung thư buồng trứng qua hơi thở. Thử nghiệm trên 43 tình nguyện viên, trong đó có 17 bệnh nhân ung thư buồng trứng, thiết bị đã phát hiện bệnh với độ chính xác 82%.
Minh Phong (Tổng hợp)