Cùng với sự gia tăng của thị trường, các nhà sản xuất đã nhanh chóng nhập cuộc chơi, nhà máy United Healthcare vừa mới được thành lập tại TP Hồ Chí Minh là một minh chứng cho sự nhanh nhạy này.
Thị trường thiết bị y tế phản ánh thực chất nhu cầu của xã hội. Không chỉ riêng nhu cầu về thiết bị y tế, chẩn đoán mà cả những thiết bị phụ trợ cho quá trình chẩn đoán, hóa chất và thiết bị tiêu hao cũng ngày càng tăng, nhất là các bệnh có tốc độ chóng mặt gần đây như bệnh ung bướu, tim mạch. Chỉ trong thập kỷ vừa qua, nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh ung bướu đã được xây mới nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Riêng bệnh viện K đã mở thêm hai cơ sở với khoảng 1540 giường bệnh.
Theo báo cáo của bệnh viện K trung ương tại khóa họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH-CN Việt Nam – Hoa Kỳ (JCM 9) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh tháng 12/2015, Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 về tỉ lệ mắc mới (2,6/100,000) và tử vong (1/100,000) về các bệnh ung bướu. Số bệnh nhân tới khám bệnh là 230,388 vào năm 2014 trong khi đó số người tham gia điều trị chỉ đạt 42,289 chiếm chưa tới 25% tổng số người mắc bệnh. Báo cáo cũng cho hay, khi điều tra tại Phú Thọ trong vòng 5 năm, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư chỉ là 3%.Có thể thấy rõ tình trạng người dân thiếu thông tin về các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ liên quan tới bảo hiểm y tế dẫn tới số tới khám bệnh và điều trị không như kỳ vọng. Thêm vào đó, chi phí khám chữa bệnh cũng là một rào cản.
Trong bối cảnh này, các nhà khoa học, công ty cần có tiếng nói chung để tạo ra những sản phẩm tại nội địa phục vụ nhu cầu của người bệnh. Rõ ràng, đội ngũ chuyên gia trong nước và nước ngoài đủ sức để tạo ra những công nghệ có khả năng hiện thực hóa và thương mại tại Việt Nam khi có sự vào cuộc của doanh nghiệp. Cũng cần nói thêm rằng chúng ta không thể cứ đợi hội đủ mọi chính sách thuận lợi ra đời rồi mới thực hiện những dự án mà lẽ ra đã có thể làm ngay từ lúc này.
Hội nghị Quốc tế lần thứ 6 về “Phát triển Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam” (BME6) đã được tổ chức thành công từ ngày 27 đến 29 tháng 6, tại Trường ĐH Quốc Tế, ĐH Quốc Gia TP Hồ Chí Minh.
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm bên lề hội nghị. (Ảnh: Tùy phong)
Tổ chức lần thứ 6 trong vòng 14 năm, hội nghị đã thu hút được 417 tác giả và đồng tác giả trong đó có 235 tác giả chính với hơn 100 báo cáo khoa học từ 21 nước như Úc, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Hồng Kông, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Na Uy, Bồ Đào Nha, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và nước chủ nhà Việt Nam. Hội nghị bao hàm tất cả những chủ đề công nghệ tiên tiến trên thế giới về kỹ thuật y sinh đang được ứng dụng tại các nước trên thế giới, qua đó tìm hiểu những công nghệ nào có thể áp dụng tại Việt Nam.
Ngoài các báo cáo khoa học, có nhiều tập đoàn, nhà máy, các công ty khởi nghiệp cũng đến tham gia cùng với BME. Đặc biệt trong khuôn khổ hội nghị, đã có lễ ký kết văn bản ghi nhớ giữa Đại học Quốc tế (IU) với tập đoàn VNPT về nghiên cứu, thiết kế, và phát triển các thiết bị y tế trong tương lai. Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học và doanh nghiệp trên toàn thế giới xác lập một bức tranh toàn cảnh về ngành Kỹ thuật Y sinh tại Việt Nam thông qua những báo cáo của các tác giả Việt nam.
Buổi giới thiệu các chính sách ưu đãi đầu tư đối với Công nghệ cao của SHTP. (Ảnh: Dr. Lê Chí Hiếu)
Ý thức được tầm quan trọng của hội nghị này các cơ quan như VNPT, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED); Khu Công nghệ cao Sài Gòn (SHTP); Hội đồng Anh tại Việt Nam, Quỹ Newton Fund cũng đã tham dự, tài trợ và tham luận tại hội nghị. Đã có trên 20 biên bản ghi nhớ giữa các nhóm nghiên cứu quốc tế/Việt Nam, giữa các nhà sản xuất và các nhà khoa học được ký trên nhân sự kiện này. Đặc biệt, cộng đồng Kỹ thuật Y sinh giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh đã được gợi mở thành lập để thúc đẩy quan hệ về khoa học kỹ thuật nói chung và Kỹ thuật Y sinh nói riêng. Đồng tình với ý tưởng này, PGS. Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý khu Công nghệ Cao SHTP đã cam kết hỗ trợ các sáng kiến trong nghiên cứu về y sinh bằng cả những chính sách cụ thể và thậm chí là cấp kinh phí thực hiện cho những dự án mang tính khả thi, phục vụ cộng đồng, mang lại giá trị kinh tế và xã hội.
Cộng đồng BME Việt-UK. (Ảnh Dr. Lê Chí Hiếu)
Đường lăn cho một nền Kỹ thuật Y sinh (là nhu cầu xã hội) đã sẵn rồi, nhưng liệu ngành kỹ thuật này có cất cánh hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ hành động của cộng đồng BME Việt ngày hôm nay. Một khi đã cất cánh, đáp ứng từng phần nhu cầu chính đáng của người dân, khi mà giá trị được xã hội chấp nhận, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng sẽ ra đời theo. Mong rằng ngày đó sẽ rất sớm thành hiện thực.