“Bạn phải là người hiểu biết về công nghệ ngay cả khi không là một kỹ sư, có khả năng giải thích được ý tưởng của mình một cách đơn giản nhất và kiên định tìm kiếm cơ hội bằng năng lực thuyết phục người khác. Có được ba điều này, bạn sẽ làm startup kiếm được tiền”.

TS Trần Việt Hùng - người sáng lập GotIt!: "Tôi ước có thêm 15 phút mỗi ngày để... ngủ"

Peter Relan - người từng tạo ra các startup có trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD và được mệnh danh như “bố già” ở Silicon Valley (Mỹ) - chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển.

Người ươm mầm mát tay

Với phong thái gần gũi, Peter Relan đi thẳng vào chủ đề trao đổi về khởi nghiệp bằng cách tự giới thiệu: “Tôi đang điều hành một vườn ươm khởi nghiệp (YouWeb Incubator - PV) ở Silicon Valley. Tôi từng là kỹ sư rồi chuyển sang nắm vị trí điều hành tại Oracle và từng làm cho nhiều nơi khác. Gần đây, tôi bắt đầu hỗ trợ cho các startup và đôi khi tham gia điều hành trực tiếp các dự án có triển vọng tốt. Trong 15 năm qua, tôi đã làm việc cùng khoảng 30 startup như vậy. Một số thất bại, một số thì thành công, được Google hoặc Facebook mua lại. Một số khác thì thành công hơn khi có trị giá hàng trăm triệu USD hoặc đến cả tỷ USD. Đó là những gì tôi đang làm”.

Chân dung Peter Relan. Ảnh: Siliconbeat

Các vườn ươm khởi nghiệp như YouWeb của Peter là nơi các founder (người sáng lập công ty - PV) tại Mỹ thường tìm đến xin gia nhập để được đầu tư và huấn luyện để có thể thực hiện khát vọng startup của mình. Qua tay Peter, nhiều startup đã trở nên đình đám như CrowdStar, OpenFeint hay Spaceport…, được các đại gia Google, Facebook, GREE mua lại với trị giá hàng trăm triệu USD.

Một trong những startup đang gây tiếng vangở Silicon Valley là GotIt! của Trần Việt Hùng cũng bước ra từ vườn ươm của Peter Relan. Năm 2014, ngoài khoản đầu tư 120.000USD cho GotIt! như các startup khác gia nhập YouWeb, Peter còn đồng ý trở thành đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của GotIt!.

Startup không phải là… tự sát

Tại một “đấu trường khắc nghiệt” như Silicon Valley, không phải startup nào cũng gặt hái được kết quả khả quan như GotIt!. “Tất cả chúng ta đều biết rằng startup rất rủi ro, 80% sẽ thất bại và chỉ 20% có cơ hội thành công; nhưng tất cả những founder mà tôi gặp đều tin rằng họ nằm ở trong số 20% đó. Nghĩa là cứ 5 founder thì tôi biết có 4 sẽ không làm được và chỉ có một làm được thôi; nhưng tất cả đều tin rằng mình chính là người sẽ làm được” - Peter nhận xét.

Theo góc nhìn của vị “bố già” ở Silicon Valley, những founder thường có điểm chung: “Họ yêu những gì mình làm, yêu sự tự do, yêu sự linh hoạt và không ngừng thử lại khi gặp thất bại. Trong khi một startup hay nhiều startup có thể thất bại thì vẫn có nhiều founder sẽ thành công. Vì vậy, bạn biết đấy, startup không phải là hành động tự sát trong kinh doanh của những người trẻ, vì bạn có thể sẽ thành công ngay cả sau khi có một - hai startup thất bại. Đó chính là sự khác biệt giữa founder và startup”.

Peter Relan và Trần Việt Hùng sát cánh bên nhau cho GotIt!

Những người sáng lập có các phẩm chất như Peter mô tả đang từ khắp nơi trên thế giới tìm về Silicon Valley, biến nơi đây thành một trung tâm startup của cả thế giới. Vì sao Silicon Valley có vị thế đó? Theo Peter, đó chính là vì lý do văn hóa, lịch sử, giáo dục và nền tài chính đặc thù của khu vực tập trung các công ty công nghệ thuộc địa phận bang California, Mỹ.

Dẫn câu chuyện bộ đôi sinh viên Bill Hewlett và David Packard được một vị giáo sư Đại học Stanford cho vay tiền khi ra trường để lập ra công ty sản xuất các thiết bị ampli và nay trở thành đế chế HP hùng mạnh, Peter cho rằng đó chính là con đường hình mẫu của các startup thành công ở Silicon Valley. Các công ty khác như Yahoo! hay Google cũng ra đời theo cách mà HP đã trải qua.

“Hai trường đại học Stanford và Berkeley rất mạnh trong đào tạo ngành kỹ thuật, văn hóa dễ vay tiền từ người khác để mở công ty, lịch sử đặc biệt chứng kiến nhiều công ty startup thành công cộng với sự giàu có của bang California đã giúp Silicon Valley hấp dẫn giới startup khắp thế giới. Không một nơi nào khác có thể sao chép mô hình này. Seatle, Boston cũng có những đại học vĩ đại nhưng họ không có truyền thống sinh viên tốt nghiệp vay tiền người khác để lập công ty như ở Silicon Valley” - Peter giải thích thêm về sự khác biệt của vùng đất mà giới công nghệ thường gọi một cách ngắn gọn là Valley (thung lũng).

Muốn sống sót cần giao tiếp tốt

Làm thế nào để có thể startup và sống sót ở một nơi tập trung toàn công ty “khủng long”như Silicon Valley? Theo Peter, điều này phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: “Thứ nhất, bạn phải là người hiểu biết về công nghệ ngay cả khi bạn không phải là một kỹ sư. Thứ hai, bạn phải có khả năng giải thích được ý tưởng của mình một cách đơn giản nhất. Và thứ ba, bạn phải kiên định tìm kiếm cơ hội bằng việc kết nối với bên ngoài và năng lực thuyết phục người khác. Đó chính là những tố chất cần thiết để trở thành một founder thành công và nếu có được ba điều này, bạn sẽ startup thành công và kiếm được tiền”.

Những điều mà Peter đúc kết cũng chính là các tố chất mà ông tìm kiếm ở các founder khi nhận họ vào “lồng ấp” YouWeb của mình. Ông viện dẫn thời điểm gặp Nguyễn Việt Hùng 2 năm trước như một minh chứng: “Lần đầu gặp tôi, Hùng trình bày ý tưởng rất đơn giản: Mọi người hằng ngày có nhiều câu hỏi và họ thường lên Google tìm kiếm, nhưng đôi khi mất hàng giờ mà vẫn không có câu trả lời. Điều này sẽ được giải quyết khi có thể trao đổi trực tiếp với một chuyên gia và nhận được câu trả lời trong khoảng thời gian ngắn. Cậu ấy hiểu rõ công nghệ sẽ giúp ý tưởng này trở thành hiện thực và cậu ấy đã thuyết phục được tôi”.

Ý tưởng tốt như vậy là điều quan trọng đối với mỗi startup nhưng theo Peter, đó chưa phải là tất cả: “Đôi khi một ý tưởng rất tốt có thể tạo nên cả một công ty và có thể vượt qua tất cả sai lầm của người sáng lập. Tuy nhiên, điều đó là vô cùng hiếm và ý tưởng tốt cũng chỉ đóng góp khoảng 20% thành công của startup mà thôi, còn lại bạn phải kết hợp với những thứ khác như một đội ngũ giỏi hoặc có khả năng biến ý tưởng thành sản phẩm có thị trường”.

Một khi có ý tưởng, sáng chế tốt thì theo Peter, việc đầu tiên startup cần tính đến là phải biết “tự vệ” bằng sở hữu trí tuệ.“Tôi vẫn khuyên các công ty startup là nếu có một sáng chế thật sự tốt thì cần phải đăng ký bằng sáng chế nhằm tự bảo vệ mình; để không ai có thể nói rằng “Này, anh đang sao chép ý tưởng của tôi đấy”. Tôi cũng từng thấy những công ty bị kiện về những thứ do chính họ làm ra chỉ vì bị chơi khăm về bằng sáng chế. Vì vậy, hãy tự bảo vệ ý tưởng của mình bằng cách điền vào mẫu đơn đăng ký sáng chế nếu bạn có điều gì đó thực sự sáng tạo. Còn nếu không có gì mới mẻ thì hãy quên việc đăng ký đi, đừng phí thời gian” - Peter nhấn mạnh.


Lần đầu gặp tôi, Hùng trình bày ý tưởng rất đơn giản: Mọi người hằng ngày có nhiều câu hỏi và họ thường lên Google tìm kiếm, nhưng đôi khi mất hàng giờ mà vẫn không có câu trả lời. Điều này sẽ được giải quyết khi có thể trao đổi trực tiếp với một chuyên gia và nhận được câu trả lời trong khoảng thời gian ngắn" - Peter Relan.


Hãy startup khi còn trẻ

Theo Peter, có 3 thời điểm mọi người nên startup: “Thứ nhất là khi bạn còn trẻ và đó là lý do tại sao rất nhiều người trẻ vừa rời trường đại học chính là những doanh nhân hoàn hảo nhất, giống như Bill Hewlett và David Packard (founder của HP) - vốn là những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp và không có gì để mất. Thời điểm thứ hai là khi bạn nói “Này, tôi có một ý tưởng vô cùng hay” và được người khác thừa nhận “Đúng, đó thật là ý tưởng tuyệt vời”. Điều này không thường xuyên xảy ra, nhưng nếu có thì hãy startup ngay. Thời điểm thứ ba bạn nên startup là khi các công ty lớn về công nghệ đang bước vào giai đoạn dịch chuyển chiến lược và tạo ra các platform mới. Đây thực sự là thời điểm lý tưởng để tận dụng khởi nghiệp, vì các công ty lớn sẽ chi hàng trăm triệu USD tiếp thị cho các công nghệ mới của họ và đó là cơ hội của bạn”.

Peter đặc biệt quan tâm đến thời điểm thứ ba bằng cách kể lại thời điểm ông bắt đầu tham gia sâu vào giới startup. “Năm 2006, 2007, khi tôi bắt đầu xây dựng vườn ươm khởi nghiệp, tôi đã rất may mắn bởi vì đây thật sự là thời điểm tốt để lập một công ty. Khi đó Facebook bắt đầu đế chế mạng xã hội và chiếc Iphone cũng xuất hiện vào năm 2007 - những thứ đã làm thay đổi cả thế giới. Ngày nay, khi bạn nhìn thấy tất cả các công ty lớn đang tạo ra AI (trí tuệ nhân tạo) như một dịch vụ thì có rất nhiều thứ hay ho trong lĩnh vực này để có thể làm startup” - người được mệnh danh là “bố già” trong giới startup ở Sillicon Valley gợi ý.