“Làm nhanh không thì đối thủ vượt mình là chết. Làm nhanh không thì hết tiền, hết vốn cũng chết… Nhiều khi tôi chỉ ước mình có thêm 15 phút mỗi ngày để ngủ”.

Peter Relan -“Bố già” ở Silicon Valley: "Muốn startup phải biết giải thích ý tưởng"

Tiến sỹ (TS) ngành khoa học máy tính Trần Việt Hùng - người sáng lập của GotIt! - nói về “nghề” startup.

Làm nhanh không thì chết

Tôi xin lỗi vì đến muộn, vừa phỏng vấn để tuyển nhân sự xong” - TS Hùng bước nhanh tới, kéo ghế ngồi, thoáng mệt khi Hà Nội đã lên đèn nhưng ánh mắt vẫn lấp lánh. “Về được gần tuần rồi, đã được gặp hai cụ đâu. Cuối tuần này thăm các cụ, giao lưu chút rồi hôm sau tôi phải quay lại Mỹ rồi” - TS Hùng nói gọn về một tuần anh làm việc ở Việt Nam.

CEO GotIt! Trần Việt Hùng. Ảnh: Loan Lê

“Mấy ngày rồi, thành tích của tôi là khiến 7 startup tự giải thể. Có 10 câu hỏi cực kỳ cơ bản nhưng họ không trả lời được. Nhiều startup chưa làm gì mà đã có đủ bộ founder, CEO, CTO các kiểu. Hỏi thì toàn nói ý tưởng của em hay lắm, nhưng hỏi tiếp đã làm gì chưa thì chưa” - TS Hùng bày tỏ quan ngại về tính nghiêm túc của không ít người trẻ nói muốn làm startup ở Việt Nam và việc họ dành quá nhiều thời gian cho việc đi hội thảo, sự kiện.

“Như tôi ở giai đoạn đầu, làm gì có thời gian để giao lưu, hội thảo. Làm nhanh không thì đối thủ vượt mình là chết. Làm nhanh không thì hết tiền, hết vốn cũng chết. Một ngày tôi được ngủ khoảng 3-4 giờ. Nhiều khi tôi chỉ ước mình có thêm 15 phút mỗi ngày để ngủ” - TS Hùng hồi tưởng những ngày đầu của GotIt!.

TS Trần Việt Hùng làm việc với các nhân viên GotIt! tại văn phòng ở Việt Nam. Ảnh: Loan Lê

“Ở Silicon Valley, người giỏi như thế, tiền nhiều như thế, hạ tầng và môi trường tốt như thế mà 9/10 startup vẫn chết sau một năm. Các bạn làm startup cần hiểu rằng founder là phải sống sót, bởi có hàng tỉ thứ sẽ phải đối mặt và vượt qua. Founder mà còn cần phải truyền cảm hứng thì chết” - TS Hùng không ngần ngại khi nói về phong trào startup đang lên ở Việt Nam.

Trong câu chuyện, TS Hùng thường chen các từ tiếng Anh như “founder”, “startup”, “mentor”... Người viết ban đầu cho rằng đây là do thói quen làm việc nhiều năm với các cộng sự tại Silicon Valley, nhưng rồi chợt nhận ra chuyện ngôn ngữ là văn hóa. Nhiều từ tiếng Anh không có từ đồng nghĩa trong tiếng Việt và đa phần người Việt không có hình dung hoặc hình dung không đúng nội hàm của những từ đó.

Đam mê và sẵn sàng thất bại

“GotIt! đang crazy (tưng bừng - PV). Chúng tôi đang chuẩn bị serie B vào quý I năm 2017. GotIt! đã có thêm một số nhân sự rất giỏi và tốc độ tăng trưởng vượt mức mong muốn” - TS Hùng cập nhật với chúng tôi về tình hình GotIt! sau một năm gặp lại. Anh cho biết thêm rằng, khoản đầu tư cho GotIt! ở serie B sẽ lớn hơn rất nhiều con số 9 triệu USD trong serie A vào đầu năm 2016.

Nói mọi thứ “đang rất tốt”, nhưng TS Hùng không ngần ngại thừa nhận “ngôi nhà” GotIt! luôn đứng trước đe dọa: “Tốc độ phát triển quá nhanh nên nhà lúc nào cũng như xây móng không đủ chắc, rung rinh, rung rinh và có thể sập bất kỳ lúc nào”.

TS Trần Việt Hùng và các nhân viên GotIt! tại Mỹ. Ảnh: NV

Khẳng định GotIt! là nền tảng chia sẻ tri thức, TS Hùng không giấu khát vọng “ôm” người dùng từ lúc 13 tuổi cho đến hết đời: “GotIt! đã có nhiều triệu người dùng với 85% tại Mỹ, số còn lại ở Canada và các nước nói tiếng Anh. GotIt! đã mở rộng người dùng sang lứa tuổi từ 21-25 với trợ giúp kỹ năng làm việc văn phòng. Người trẻ mới ra trường, đi làm, cần làm báo cáo cho sếp mà còn vướng cách làm tài liệu báo cáo, có thể nhờ tới GotIt!. Trước đó, chúng tôi đã hoàn thiện sản phẩm dành cho học sinh từ 13-21 tuổi với hỗ trợ học các môn STEM như toán, lý, hóa, sinh”.

Tuy nhiên, chặng đường trước mắt với GotIt! còn xa: “Cách giao tiếp hiện tại giữa chuyên gia và học sinh là hoàn hảo với các môn STEM. Chúng tôi có thể mở rộng với các môn học xã hội, nhưng hiện chưa nghĩ ra sản phẩm sẽ như thế nào” - TS Hùng thừa nhận.

Mang khát vọng lớn, nhưng TS Hùng cũng sẵn sàng tâm lý cho thất bại. “Chúng tôi có thể “chết” như thường. Môi trường thay đổi, mọi thứ thay đổi mà mình không thích ứng kịp, mình chết” - TS Hùng thẳng thắn.


Tốc độ phát triển quá nhanh nên nhà lúc nào cũng như xây móng không đủ chắc, rung rinh, rung rinh và có thể sập bất kỳ lúc nào” - người sáng lập GotIt! Trần Việt Hùng.


Triết lý tuyển người ở startup

Không sợ thất bại, nhưng nhân sự giỏi là nền tảng chống sập cho “ngôi nhà” GotIt!. Đội ngũ 22 kỹ sư ở Việt Nam và 20 tại Mỹ vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của startup này. “Cần người lắm mà chưa tuyển đủ” - TS Hùng nói về bài toán nhân sự. Dẫu vậy, anh không giấu tự hào khi kể tên những cộng sự như Matt Gabler (từng phụ trách phát triển Google Books) hay Ethan Crowther (từng làm CEO ở nhiều startup thành công với doanh thu tới cả trăm triệu USD).

“Đội ngũ tại Mỹ hầu hết đến từ các trường MIT, Harvard, Stanford và từng là kỹ sư của Google, Facebook. Họ giỏi bằng một nghìn lần tôi. Nếu họ là chủ, chắc họ không tuyển tôi” - TS Hùng cười hóm hỉnh.

Một góc văn phòng GotIt! tại Việt Nam. Ảnh: Loan Lê

Về triết lý tuyển người, TS Hùng tiết lộ: “Ở những lĩnh vực định tuyển, sau khi nói chuyện với họ tôi phải cảm thấy mình cực kỳ ngu ngốc. Tuyển người vào mà mình còn phải chỉ bảo về những cái họ làm ra, là tuyển sai. Với những người giỏi, nhìn những cái mà họ làm ra mình cảm thấy phấn khích và làm mình phấn đấu nhiều hơn”.

Có người giỏi đầu quân, nhưng người giỏi ở GotIt! đang nhận mức lương thấp hơn nhiều so với thị trường: “Tất nhiên là có stock option (cổ phiếu thưởng - PV), nhưng quan trọng hơn là họ được làm cái họ mong muốn. Khi không phải lo về cơm áo gạo tiền, người ta mong muốn làm gì đó có ý nghĩa. Đó là điểm họ thấy hấp dẫn ở mình!” - TS Hùng chia sẻ.


Đội ngũ tại Mỹ hầu hết đến từ các trường MIT, Harvard, Stanford và từng là kỹ sư của Google, Facebook. Họ giỏi bằng một nghìn lần tôi. Nếu họ là chủ, chắc họ không tuyển tôi” - TS Trần Việt Hùng


Founder và truyền thông

Nói thêm về điểm “hấp dẫn ở mình”, TS Hùng ý thức đầy đủ về vai trò của truyền thông. “Tôi định 15/11 vừa rồi có chiến dịch truyền thông trên toàn nước Mỹ, nhưng kết quả bất ngờ của bầu cử ở Mỹ làm kế hoạch hỏng be hỏng bét. Truyền thông Mỹ bị cuốn vào câu chuyện bầu cử tổng thống. Nên thôi kệ, phải đợi lắng đi rồi mới tính” - TS Hùng nói về việc phải điều chỉnh kế hoạch truyền thông cho GotIt!.

Trong kế hoạch truyền thông, TS Hùng nắm rõ từng bước cần làm để xây dựng hình ảnh công ty: “Quan trọng phải có câu chuyện hay và có thể lan tỏa. Chúng tôi có rất nhiều góc nhìn hay từ mô hình kinh doanh này. Một trong những góc nhìn đó là họ lấy chính tôi thôi: Một người nhập cư. Người ta vẫn đề cao “giấc mơ Mỹ” mà. Góc nhìn thứ hai là trẻ con Mỹ không chịu học STEM làm sức mạnh quốc gia bị hẹp lại. Thứ ba là làn sóng công nghệ thay đổi nhiều thứ và dịch vụ gia sư truyền thống có thể hoàn toàn thay đổi. Thứ tư, nói quá một chút, thì tri thức từ chuyên gia là con người vẫn là tốt nhất. Tương lai người ta có thể không phải dùng Google cho những câu hỏi cần kiến thức chuyên gia. Trước đây phải dùng Google vì không có cách nào kết nối tới chuyên gia. Thứ năm là GotIt! góp phần tạo ra công ăn việc làm. Nhiều báo lớn ở Mỹ muốn viết những câu chuyện như thế”.

Việc còn lại - theo TS Hùng - là thuê một công ty để lo mọi việc từ mời báo phù hợp, xếp lịch hẹn, đo ảnh hưởng…

Trở lại chuyện chân dung founder trong bối cảnh phong trào startup ở Việt Nam đang lên cao, TS Hùng cười hiền: “Thực ra tôi rất nghèo, nhưng tôi không cần nhiều tiền. Nếu tôi muốn có nhiều tiền ngay thì các công ty lớn trong ngành hay những nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng trả tôi rất nhiều tiền để họ sở hữu GotIt!. Có lẽ đó là lý do mà các cộng sự người Mỹ thích tôi và sẵn sàng đi theo”.