Người khiếm thị đọc báo bằng... kính
Eliav Rodman - Giám đốc tiếp thị của Công ty OrCam - vẫn không mấp máy miệng nhưng một giọng nói dễ nghe, âm lượng vừa phải vẫn tiếp tục đọc lần lượt tất cả những dòng chữ có trên màn hình mà anh đang hướng mắt lên nhìn.
“Tôi không nói gì nhé, cái camera này đã truyền tín hiệu cho bộ vi xử lý và nó đã làm tất cả như quý vị vừa nghe thấy” - Rodman nói và lúc này mới rút trong túi ra một chiếc hộp có kích cỡ nhỉnh hơn bao thuốc lá một chút để giới thiệu sản phẩm công nghệ cao dành cho người khiếm thị mà công ty anh phát triển. Phải để ý mọi người mới nhận ra gọng kính anh đeo gắn camera và có một sợi dây nối kính với chiếc hộp nhỏ để trong túi quần.
Eliav Rodman giới thiệu thiết kế và tính năng của OrCam tại sự kiện Access Israel Convention. Ảnh: Đình Chính
Đó là tất cả các bộ phận của thiết bị mang tên OrCam - sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp người khiếm thị “đọc” được mọi dòng chữ xuất hiện trước mắt mình. Trong khi mọi người còn kinh ngạc trước những điều OrCam có thể làm được, Eliav bổ sung rằng ngoài việc đọc chữ, thiết bị này còn có khả năng nhận diện hàng nghìn vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hay gương mặt người và mô tả lại bằng âm thanh thông qua một chiếc tai nghe. Gần như không có độ trễ về thời gian từ khi người dùng hướng mắt kính về phía vật dụng hay dòng chữ cho đến lúc âm thanh mô tả xuất hiện.
Tính năng đặc biệt này giúp những người khiếm thị sử dụng OrCam giống như có thêm một người bạn đồng hành, có thể đọc mọi tờ báo cho họ nghe thay vì sử dụng phiên bản chữ nổi truyền thống, hoặc mô tả mọi thứ đang xuất hiện phía trước họ. Eliav cho biết, chỉ mất khoảng một phút là người dùng có thể học được cách sử dụng OrCam.
Ngoài việc đọc báo, thiết bị này có khả năng giúp người khiếm thị tự mình tham gia các tình huống trong cuộc sống mà trước đây họ chỉ có thể làm được với sự giúp đỡ của người khác. Họ có thể tự tin bước ra đường với “đôi mắt” đặc biệt của mình và biết chính xác tờ tiền mình trả cho người bán hàng là bao nhiêu, hoặc đọc mọi thông tin về thành phần trên nhãn sản phẩm trong siêu thị để tìm cho mình món đồ thích hợp.
Công nghệ phức tạp trong cỗ máy siêu nhỏ
Khi được mang đến trình diễn tại sự kiện Access Israel Convention diễn ra tại Tel Aviv, Israel cuối tháng 3 vừa qua, OrCam đã có mặt rộng rãi trên thị trường. Cách duy nhất để đặt mua sản phẩm này là thông qua trang web bán hàng của Công ty OrCam. Sản phẩm - kèm theo gói hỗ trợ kỹ thuật - có giá 2.500USD (khoảng 57 triệu đồng) - tương đương giá một chiếc máy trợ thính loại tốt hiện nay. Với OrCam, các kỹ sư Israel đã làm thay đổi cuộc sống của người khiếm thị bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và các thuật toán đặc biệt tích hợp trên chiếc kính gọn nhẹ.
Cận cảnh Orcam - “đôi mắt trí tuệ nhân tạo” dành cho người khiếm thị. Ảnh: OrCam
Đây là một trong những sản phẩm công nghệ cao nổi bật nhất của Israel dành cho người khuyết tật hiện nay. Công ty startup OrCam - với 25 nhân sự, thành lập năm 2010 tại thành phố Jerusalem - đã dựa trên một nghiên cứu của Giáo sư Amnon Shashua (Đại học Hebrew) để tạo ra sản phẩm. Giáo sư Amnon cũng chính là tác giả của Mobileye - một hệ thống hỗ trợ lái xe tự động an toàn đang được trang bị trên những chiếc xe ở Israel và nhiều nước trên thế giới.
Nhưng khác với Mobileye chỉ nhận diện được xe và người đi bộ, OrCam có nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều vì nó phải “đọc”được hàng nghìn vật thể xung quanh người dùng và có khả năng “tự học” thêm khả năng nhận biết.
Thông thường, để có khả năng xử lý một lượng thông tin khổng lồ như OrCam, cần có hệ thống máy tính lớn. Thành công của các kỹ sư Israel chính là việc thu nhỏ sản phẩm mang trí tuệ nhân tạo này thành một thiết bị bé bằng ngón tay, có thể gắn dễ dàng trên gọng kính. Đi kèm với nó là một cục pin sử dụng cả ngày mới cần sạc lại.
Hiện OrCam mới hỗ trợ tiếng Anh, Đức và Do Thái nhưng sẽ sớm có thêm một số ngôn ngữ phổ biến khác. Những người khiếm thị giờ đây có thể dễ dàng mang theo người bạn ảo này để “nhìn” giúp họ gần như mọi thứ và việc duy nhất họ cần làm là hướng chiếc kính về phía trước.