Nhóm kỹ sư trẻ Đà Nẵng gồm Lê Anh Tiến, Lê Hoàng Anh và Hoàng Minh Phú vừa hoàn thành lần cải tiến thứ tư đối với sản phẩm kính MutiGlass, giúp những người yếu hoặc không có tay có thể sử dụng máy tính với giá rẻ bằng một nửa so với sản phẩm nhập ngoại cùng loại.

Điều khiển máy tính bằng mắt

Mặc dù đã giúp tác giả đoạt giải Festival sáng tạo trẻ toàn quốc 2016, lọt vào chung khảo Nhân tài đất Việt 2015 và có mặt trong sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2016, sản phẩm kính MultiGlass vẫn tiếp tục được cải tiến. Kỹ sư Lê Hoàng Anh và Hoàng Minh Phú cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, sản phẩm sử dụng công nghệ truyền dữ liệu không dây RF/Bluetooth này đã được cải tiến 4 lần, lần nào chúng tôi cũng điều tra về hành vi, thói quen của người sử dụng như thói quen nháy mắt, chớp mắt, nghiêng bên trái, bên phải... để bổ sung hoặc nâng cấp thêm một số tính năng”.

Cách sử dụng MultiGlass khá đơn giản. Để di chuyển con trỏ, người dùng cần nghiêng đầu theo các hướng. Để click chuột vào vị trí nào trên màn hình, họ chỉ cần nhìn trực tiếp vào vị trí đó, nhìn dưới 0,3 giây nếu muốn nhấp chuột trái và hơn 0,3 giây nếu muốn nhấp chuột phải. Nếu muốn sử dụng bàn phím, họ có thể nhấp chuột thông qua bàn phím ảo”.

Kỹ sư Tiến cho biết, MultiGlass là thiết bị độc lập sử dụng năng lượng từ pin nhỏ được gắn ở gọng kính. Chỉ cần kết nối nó với máy tính qua cổng USB là có thể sử dụng mà không cần phần mềm hỗ trợ nào. Thiết bị nhỏ gọn và tiêu hao ít năng lượng nên một pin tiểu gắn với kính đủ dùng hằng ngày trong 3 tháng.

Kỹ sư Lê Anh Tiến hướng dẫn người khiếm thị tại Đà Nẵng sử dụng kính MultiGlass.
Ảnh: Hoàng Anh

Sau 2 năm sử dụng kính MultiGlass, ông Đỗ Hồng Quang - người chỉ còn một tay và khá yếu, thành viên Hội Khuyết tật thành phố Đà Nẵng - đánh giá: “Khi chưa dùng kính này, tôi sử dụng máy tính rất chậm, không thể thực hiện thao tác kết hợp giữa chuột và phím. Chiếc kính giúp tôi chủ động làm những việc mình cần”.

Ông Nguyễn Quang Minh - cũng thuộc Hội Khuyết tật thành phố Đà Nẵng và cánh tay duy nhất cũng bị yếu - thường xử lý hình ảnh bằng phần mềm photoshop với sự trợ giúp của MultiGlass. Ông nhận xét: “Chiếc kính có thể thay thế con chuột với độ chính xác từ 70-80%. Do đặc thù của công việc phải sử dụng máy tính liên tục và dùng nhiều thao tác phức tạp nên tôi dùng cả MultiGlass và chuột; khi nào mỏi tay thì dùng kính, mỏi mắt thì dùng chuột”.

Muốn cộng đồng hóa sản phẩm

Với sự trợ giúp về tài chính của Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường cộng đồng (Live&Learn) - một tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tính đến thời điểm này, nhóm đã sản xuất được 25 chiếc MultiGlass và tặng cho Hội Khuyết tật thành phố Đà Nẵng.

Theo nhóm tác giả, do MultiGlass có giá rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại - chỉ 600.000 đồng trong khi sản phẩm của Samsung giá khoảng 500USD - nên cơ hội tiếp cận với kính thông minh giúp điều khiển máy tính của người khuyết tật sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nhóm không có ý định sản xuất vì mục đích thương mại mà muốn cung cấp miễn phí cho người khuyết tật thông qua các nhà tài trợ.

“Tôi rất mong nhận được hỗ trợ của các tổ chức từ thiện để có kinh phí sản xuất và đưa tới tay người khuyết tật. Với số lượng ít, chúng tôi sẽ tự mua thiết bị về lắp ráp. Với đơn đặt hàng lớn, chúng tôi có thể đặt lắp ráp tại Trung Quốc” - Tiến cho biết.

Nhóm cũng sẽ tiếp tục nâng cấp để sản phẩm hoàn thiện hơn. Theo nhận xét của ông Quang và ông Minh, sản phẩm còn có nhược điểm là việc điều khiển bằng mắt đòi hỏi độ tập trung cao nên gây mỏi mắt sau 15-20 phút sử dụng. Chuột được điều khiển bằng cử động nên nhiều khi chưa thực sự chính xác. Tốc độ di chuyển của kính còn chậm hơn tốc độ di chuyển của người dùng và phản ứng của máy tính.

Kỹ sư Lê Anh Tiến cho biết nhóm đang tìm cách cải tiến thuật toán điều khiển để nâng hiệu suất sử dụng. Họ cũng sẽ thêm các tính năng khác cho MultiGlass như điều khiển thiết bị điện dân dụng, dẫn đường cho người khiếm thị...