“Vẻ đẹp nằm trong con mắt của kẻ si tình”, đối với nhiếp ảnh, đôi mắt si tình ấy chính là ống kính. Một bức ảnh đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào ống kính được sử dụng để lưu lại bức ảnh ấy.

Ống kính và máy ảnh

Ống kính và máy ảnh là hai phần không thể tách rời. Một bức ảnh đẹp là kết quả của ống kính tốt, chính ống kính sẽ quyết định việc ghi lại một bức ảnh sắc nét và có độ tương phản cao hay không. Bên trong mỗi máy ảnh đều có cảm biến giúp ghi lại ánh sáng và một chiếc ống kính tốt cho phép đủ ánh sáng đi qua nó, đồng thời tập trung ánh sáng vào đúng cảm biến.

Ống kính - “Con mắt” của máy ảnh! - Ảnh 1.

Ống kính chính là "con mắt" của máy ảnh

Thể loại ảnh bạn muốn chụp như ảnh trong nhà, phong cảnh hay ảnh chân dung phụ thuộc rất nhiều vào loại ống kính được sử dụng. Và, không có chiếc ống kính hoàn hảo cho mọi hoàn cảnh. Không ít bạn khi mới làm quen với nhiếp ảnh đặt ra câu hỏi: Chiếc máy ảnh nào có thể chụp chân dung? Câu hỏi đúng phải là: Loại ống kính nào phù hợp chụp chân dung?

Thật khó đặt lên bàn cân so sánh tầm quan trọng giữa ống kính và máy ảnh. Nhưng chắc chắn rằng, nếu bạn hiểu về nhiếp ảnh thì không thể bỏ qua vai trò của ống kính. Không tự nhiên mà có những ống kính giá trị đến hàng trăm triệu đồng, đắt gấp nhiều lần so với thân máy tương thích với nó.

Ống kính Canon và những điều chưa biết

Nhà máy Utsunomiya của Canon tại Nhật Bản là nơi sản xuất hầu hết các ống kính Canon, gồm cả ống kính cao cấp dòng L, ống kính điện ảnh và ống kính cho đài truyền hình. Thiết kế và sản xuất ống kính tại Utsunomiya là quá trình yêu cầu độ chính xác cực kỳ cao. Độ chính xác đến thế nào, chắc bạn khó mà mường tượng. Chẳng hạn, việc chế tạo ống kính đài truyền hình (broadcast lens) 4K/8K của Canon chỉ chấp nhận dung sai trong vòng 30 nm (nanômét) hay 30 phần triệu mm (milimét). Vẫn khó hình dung? Vậy thì thử tưởng tượng nhé, giả sử phóng to một thấu kính lên kích thước của Sân vận động Maracanã ở Rio de Janeiro (chiều rộng 300m) thì độ sai số sẽ phải nhỏ hơn độ dày của một chiếc túi nhựa (0.03mm)!

Ống kính - “Con mắt” của máy ảnh! - Ảnh 2.

Nhà máy Canon Utsunomiya, nơi sản xuất hầu hết các ống kính của Canon

Việc chế tạo một ống kính chất lượng cao tương đối dễ dàng nếu không phải suy nghĩ về kích thước và trọng lượng của nó, nhưng đối với Canon, thách thức là đạt được sự cân bằng về kích thước, trọng lượng và chất lượng. Và đó là động cơ thúc đẩy sự phát triển công nghệ sản xuất ống kính của Canon.

Ống kính - “Con mắt” của máy ảnh! - Ảnh 3.

Công đoạn lắp ráp ống kính tại nhà máy Canon Utsunomiya

Hệ sinh thái ống kính của Canon

Không có thương hiệu máy ảnh nào có hệ sinh thái ống kính đa dạng như Canon. Quen thuộc với người yêu nhiếp ảnh với các nhóm ống kính chính như: EF-M (dành cho máy ảnh không gương lật), EF, EF-S (dành cho máy DSLR) hay RF (dành cho máy EOS R) và với hơn 100 loại ống hiện có, Canon đáp ứng mọi nhu cầu về ống kính cho nhiếp ảnh, ví dụ như:

- Chụp phong cảnh - Ống kính góc rộng: Bức ảnh nhận được từ ống kính góc rộng chính là một khung cảnh cực kỳ rộng lớn, có thể là một quảng trường thi đấu hay cả một hang động kỳ vĩ… Ống kính góc rộng nổi bật của Canon có thể kể đến EF 10-18mm với khả năng zoom góc cực rộng, được trang bị cơ chế ổn định hình ảnh và góc chụp rộng nhất trong nhóm EF-S.

Ống kính - “Con mắt” của máy ảnh! - Ảnh 4.

Ảnh chụp bằng Canon EOS 5D Mark III và ống kính góc cực rộng EF 10-18mm

- Chụp cận cảnh - Ống kính Macro: Là loại ống kính lý tưởng để chụp ảnh cây cỏ, côn trùng và những vật thể nhỏ nhờ khoảng cách lấy nét gần, tỷ lệ phóng đại ít nhất 1:1 và độ sâu trường ảnh rất nông. EF-TS 90mm f2.8 hay Macro 100mm f2.8 là những model ống kính Canon được nhiều nhiếp ảnh gia ẩm thực tin dùng để chụp cận cảnh chi tiết các món ăn.

- Chụp chân dung - Ống kính tiêu chuẩn: Đây là loại ống kính dùng để chụp những đối tượng không quá gần mà cũng không quá xa với mục đích lột tả trọn vẹn từng đặc điểm của người được chụp sao cho thật sắc nét và sống động. Ống kính Canon thông dụng để chụp chân dung gồm: EF 50mm f1.4, EF 135mm f2 và EF 85mm f1.8.

- Chụp thể thao, động vật hoang dã - Ống kính tele: Ống kính tele "kéo" các đối tượng trong ảnh ở xa lại gần và làm cho chúng trông lớn hơn so với thực tế. Chúng lý tưởng để chụp động vật hoang dã, thể thao và bất kỳ đối tượng nào khác mà bạn khó tiếp cận. Chúng còn có chức năng chống rung và cơ chế lấy nét siêu êm. Tiêu biểu cho dòng ống kính này là Canon EF 70-200mm f/2L III IS USM.

Ống kính - “Con mắt” của máy ảnh! - Ảnh 5.

Ảnh chụp bằng Canon EOS-1D X và ống kính tele EF 70-200mm f/2L III IS USM

Có thể nói, nhóm ống kính EF của Canon là "Vua của hệ thống ống kính" khi có đầy đủ các loại ống kính phù hợp cho mọi máy ảnh (kể cả máy ảnh không thuộc Canon cũng có thể sử dụng ống kính EF thông qua ngàm chuyển). Cuối năm 2018, Canon chạm mốc 140 triệu ống kính EF được sản xuất, con số vô cùng ấn tượng.

Ống kính - “Con mắt” của máy ảnh! - Ảnh 6.

Nhóm ống kính EF của Canon - "Vua của hệ thống ống kính"