Giải pháp sơn chống bám bẩn sinh học không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, nhân công và chi phí vệ sinh, mà còn có tác dụng kéo dài tuổi thọ của lồng lưới, cải thiện năng suất và giảm thiểu các nguy cơ, như rủi ro liên quan đến nhu cầu ôxy, hệ số chuyển đổi thức ăn và dịch bệnh ở cá nuôi.
Trong lĩnh vực nuôi cá biển bằng lồng trên quy mô công nghiệp, nếu lưới bao (lồng) không được xử lý, các vi khuẩn, tảo và sinh vật có kích thước nhỏ khác sẽ tự do bám vào và tạo thành màng sinh học (biofilm), kéo theo sự cư trú và phát triển của bào tử tảo, ấu trùng giáp xác, thủy tức và vẹm xanh, … lâu dần sẽ trở thành vấn đề thực sự nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trao đổi ôxy trong nước dẫn đến sự tác động đối với sinh trưởng, khả năng kháng bệnh và năng suất của hải sản nuôi và hậu quả là gây thiệt hại kinh tế. Tại Việt Nam, nhiều năm qua, ngành nuôi trồng thuỷ sản vẫn chưa đề xuất được một giải pháp nào thật sự hiệu quả cho việc giải quyết triệt để tình trạng này.
Ngày 27/2/2019, tại Làng Bè Sông Chà Và, xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Cổ phần Công nghệ Nuôi biển Việt Nam (MARITEC) đã phối hợp cùng Công ty Steen Hansen (Nauy) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nhuộm lưới chống bám bẩn bằng công nghệ Nauy trong nuôi trồng thủy sản lồng bè” thu hút đông đảo đại diện, chuyên gia tới từ các sở ban ngành Khoa học công nghệ và Nông nghiệp, doanh nghiệp/hộ nuôi trồng thủy sản, chủ yếu ở khu vực phía Nam.
Steen Hansen là một công ty tư nhân của Nauy, đơn vị hiện đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chất liệu phủ chuyên dụng cho các ngành công nghiệp, trong đó có nuôi cá biển, với tôn chỉ: mang đến phúc lợi bền vững cho ngành và giải quyết các thách thức liên quan đến môi trường, cả ở trên bờ và ngoài biển khơi … Hiện tại, phần lớn các hoạt động của công ty, bao gồm cả sản xuất và nghiên cứu phát triển (R&D) được thực hiện tại Nauy, nhưng đã có sản phẩm hiện diện tại hầu hết các khu vực nuôi trồng thủy sản lớn trêb thế giới như Bắc Âu, Nam Mỹ, Địa Trung Hải …
Trong số 3 dòng sản phẩm chính của Steen-Hansen: biocide-free products (không chứa chất diệt vi sinh), copper-free products (không chứa đồng) và copper-based products (chứa đồng), MARITEC mới chỉ đàm phán nhập khẩu, xin giấy phép và triển khai giải pháp đối với sản phẩm thứ 3, tức sản phẩm sơn nhuộm lưới có chứa đồng (AquaNet Premium, AquaNet 360 và AquaNet Ultra) do có giá thành phù hợp, bên cạnh tương thích với điều kiện đặc thù và tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam.
Trong tự nhiên, đồng là một nguyên tố rất cần thiết đối với sự tăng trưởng bình thường của nhiều loài động thực vật, bên cạnh tính năng cung cấp sự bảo vệ chung để chống lại hoạt động bám bẩn của sinh vật, nguyên tố này đồng thời cũng gây rất ít tác động lên môi trường, vì thế nó đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu như một chất chống ô nhiễm từ cả trăm năm nay. Ngoài ra, trong môi trường các lớp trầm tích, đồng có thể nhanh chóng chuyển hóa thành các hợp chất vô hại và không gây hoạt tính. Hiện nay, Cu2O (ô-xit đồng) có nhiều trong ống kim loại tái chế, dây cáp, thiết bị điện lạnh (tủ lạnh, điều hòa, máy giặt) … là loại dẫn xuất của đồng thường hay được sử dụng để chống lại ô nhiễm do tảo và nhiều loài động vật thủy sinh bám bẩn, với hiệu ứng kéo dài đến khi lớp phủ còn đủ nồng độ.
Ông Ulrik Ulriksen, Giám đốc Điều hành Steen Hansen cho biết, các kỹ sư của công ty đã phát triển thành công loại sơn sử dụng cho quá trình nhuộm lưới bằng cách ngâm tẩm với sự trợ giúp của thiết bị khuếch tán, cho phép bổ sung thêm một số hoạt chất như EEea® hoặc CuSCN nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ, đồng thời giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường.
Tại Việt Nam, sau nhiều lần thử nghiệm và triển khai trong thực tế, hầu hết các khách hàng đều phản hồi rất tích cực về sơn của Steen-Hansen với những ưu điểm vượt trội như "khi nhuộm cho lưới, sẽ không chỉ đơn giản giúp cắt giảm chi phí vận hành, công thay lưới, vệ sinh lưới, mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi oxy trong nước, giúp cá nuôi khỏe mạnh, sức đề kháng được cải thiện, giảm thiểu stress và hiện tượng bỏ ăn, gián tiếp tạo thuận lợi cho khâu dự báo sản lượng và chủ động tìm kiếm nguồn tiêu thụ". Ông Ulriksen chia sẻ “Tôi cảm thấy vô cùng phấn khởi khi đã có thể phổ biến công nghệ của mình tại Việt Nam trong khoảng thời gian nhanh đến như vậy. Còn nhớ, khi lần đầu tổ chức các hội thảo giới thiệu sản phẩm tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Hạ Long 2 năm trước, chúng tôi dự đoán rằng phải mất 6 năm thì loại sơn này mới có thể được ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ quý báu của Hiệp hội nuôi biển Việt Nam (VSA) cùng sự mạnh dạn của các doanh nghiệp như MARITEC, triển vọng thực sự đã vượt ngoài mong đợi”.
“Nuôi biển là hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế biển theo chủ trương vươn khơi mà chính phủ đang rất ủng hộ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành này theo quy mô công nghiệp, chúng ta cần thiết phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho khoa học công nghệ, bên cạnh huy động thêm nhiều nguồn lực khác, bao gồm cả tranh thủ cơ hội từ triển vọng hợp tác với nước ngoài ... và đặc biệt là cần có chính sách, chiến lược rõ ràng với sự tham gia tích cực, đồng bộ của tất cả những chủ thể (stake holder) liên quan, nhất là không thể thiếu vắng vai trò của các doanh nghiệp khoa học công nghệ dám nghĩ dám làm. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có hy vọng cải thiện năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế” - PGS TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) phát biểu trong bài tham luận, nêu lên những thách thức và định hướng chiến lược cho sự phát triển của ngành.
Thông qua hội thảo lần này, bên cạnh xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, MARITEC cũng rất mong muốn mở rộng danh mục đăng ký cho những khách hàng tiềm năng từ cộng đồng nuôi cá biển trên cả nước. Ngoài ra, công ty còn tổ chức cho các đại biểu tham quan cơ sở hạ tầng, kho bãi, nhà xưởng và cả “mục đích sở thị” màn trình diễn nhuộm lưới bằng sơn của Steen-Hansen. Ông Nguyễn Duy Hải, Tổng giám đốc MARITEC cho biết, “bên cạnh sản phẩm sơn chống bám bẩn cho lồng lưới nuôi cá, trong thời gian tới, công ty dự kiến sẽ cung cấp thêm các dịch vụ tư vấn miễn phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh và trau dồi kỹ thuật nuôi cho khách hàng”.
Có thể nói, mặc dù mới chỉ là một doanh nghiệp non trẻ, song nhờ định hướng thị trường rõ ràng, sự chủ động giao lưu kết nối, cùng khả năng nhạy bén và nền tảng kiến thức, chuyên môn tốt trong lĩnh vực nuôi biển, MARITEC đang đi rất đúng hướng. Trong thời gian tới, hy vọng công ty sẽ đạt được nhiều bước đột phá mới, mang lại những giải pháp công nghệ thực sự hữu ích cho sự phát triển của ngành nuôi biển theo hướng công nghiệp, thân thiện, bền vững và làm tròn trách nhiệm đối với môi trường - xã hội.