Khi Amazon quyết định đổi định nghĩa của một cửa hàng bán lẻ thông thường trở thành “trung tâm trải nghiệm khách hàng”, thì người ta tin rằng, cuộc cách mạng bán lẻ sẽ bùng nổ vào năm 2019. Ồ, không chỉ vậy, họ còn tuyên bố “mở một chuỗi bán lẻ giá rẻ nhất” nữa. Chuyện gì đang xảy ra?

Mua sắm thời 4.0: như trong phim

Theo những gì mà Amazon đã hứa với các cổ đông của công ty hàng đầu trên sàn chứng khoán Mỹ, thì năm 2019 sẽ là khoảnh khắc quan trọng, khi chuyển từ 10 “trung tâm trải nghiệm” Amazon Go trong năm 2018 lên 50 trung tâm, làm bước nhảy khổng lồ cho chỉ tiêu 3.000 địa điểm trên toàn thế giới vào năm 2021. Kế hoạch đầy tham vọng này, theo đúng “gene” của Amazon, tất nhiên là thứ mà các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài ngành đem về nghiên cứu ngày đêm để tìm đối sách.

Các nhà bán lẻ buộc phải tham gia cuộc cạnh tranh về công nghệ hóa dịch vụ của mình. Ảnh: Wdd.com
Các nhà bán lẻ buộc phải tham gia cuộc cạnh tranh về công nghệ hóa dịch vụ của mình. Ảnh: Wdd.com

Amazon mô tả Amazon Go là “một loại cửa hàng hoàn toàn mới, nơi khách hàng không cần thanh toán”. Điều đó có nghĩa là, khi mua sắm tại Amazon Go, bạn sẽ không bao giờ phải xếp hàng. Cửa hàng hoạt động với ứng dụng cùng tên Amazon Go. Nó lưu trữ dữ liệu, gợi ý mua sắm, thanh toán, tự tham gia các chương trình khuyến mãi, kết nối với ứng dụng ngôi nhà thông minh, thông suốt với lịch sử tiêu dùng trên online và quản trị giúp chi tiêu một cách thông minh nhất.

Amazon Go, đầu tiên, về cơ bản là một cửa hàng tạp hóa. Nó hoạt động bằng cách sử dụng các loại công nghệ tương tự được tìm thấy trong xe tự lái, chẳng hạn như thị giác máy tính, phản ứng tổng hợp cảm biến và học tập sâu. Công nghệ này có thể phát hiện khi các sản phẩm được lấy hoặc đưa trở lại kệ và theo dõi chúng trong giỏ hàng ảo của bạn. Khi bạn rời khỏi cửa hàng với món hàng của mình, tài khoản Amazon của bạn sẽ bị tính phí và biên lai tính phí sẽ được gửi ngay đến bạn.

Hiện tại, tính đến đầu năm 2019, Amazon Go đã có 10 cửa hàng trên khắp Seattle, Chicago và San Francisco. Kể từ khi ra mắt cửa hàng đầu tiên vào năm 2016, việc mở rộng dường như bị chậm lại đối với Amazon Go. Một trong những lý do khiến cho việc mở rộng bị chậm là chi phí. Để mở một cửa hàng Amazon Go, công ty này phải chi ra một khoảng không hề nhỏ. Được biết chỉ tính riêng cho phần cứng tại cửa hàng đầu tiên tại Seattle đã tốn lên đến hơn 1 triệu USD. Bên cạnh đó, sự phức tạp trong cách vận hành của cửa hàng cũng có thể là một lý do tại sao chúng ta không thấy nhiều hơn những cửa hàng Amazon Go. Nhưng tất cả có thể sắp thay đổi.

Amazon dường như đã sẵn sàng để bùng nổ. Những tuần gần đây trên các trang báo mạng, những thông tin về cửa hàng Amazon Go, kế hoạch mở rộng cũng như những con số được bàn tán sôi nổi. Bên cạnh việc dự định mở một cửa hàng tại New York, có những lời đồn thổi cho răng Amazon cũng đang nhắm đến thị trường Anh và dự định đặt một cửa hàng tại London. Nếu thành sự thật đây sẽ là cửa hàng Amazon Go đầu tiên được đặt bên ngoài nước Mỹ.

Vậy mà, ngày 6 tháng 3, Amazon còn tung ra thông điệp sẽ mở một chuỗi cửa hàng bán lẻ mới với mức giá rẻ nhất - thông điệp truyền thống của Walmart. Đánh nhau to rồi...

Ai theo cuộc cách mạng này?

Nhưng Amazon Go không phải là nhà bán lẻ duy nhất tận dụng mô hình “quét mã và không cần xếp hàng thanh toán”. 7-Eleven, Kroger và Sam’s Club của Walmart đều đã bắt đầu ứng dụng ý tưởng tương tự. Tuy vậy Amazon Go thực sự đã đưa trải nghiệm khách hàng lên một tầm cao mới, cho phép họ được tiếp xúc với những công nghệ tối tân ngay trong hoạt động mua sắm hằng ngày.

Một báo cáo nghiên cứu mới nhất của CB insights với tên gọi “Tái tưởng tượng các cửa hàng bán lẻ” đưa ra cách phân loại bán lẻ của thời đại mới, gồm bốn loại. Theo đó, truyền thống như các thương hiệu Casper, Restrom... đang thay đổi bằng cách cung cấp thêm các dịch vụ phi bán lẻ và mở thêm co-working space để tăng lượng lưu thông trong không gian cửa hàng rộng lớn của mình. Chiều kích khác, là các “trung tâm đáp ứng nhu cầu khách hàng”, như Target chẳng hạn, dành nhiều không gian hơn cho các tiện ích kỹ thuật số, và các dịch vụ gắn sát với nhu cầu online của khách hàng hơn. Loại thứ ba, chính là thứ Amazon đang theo đuổi: thu thập dữ liệu thông qua tự động hóa hoạt động mua bán, nhóm này đang bị đuổi sát bởi hệ thống mỹ phẩm lớn nhất thế giới Sephora. Và khuynh hướng cuối, đang được Adidas và Nike cùng cạnh tranh, mang tên “địa phương hóa”, mang cửa hàng, sản phẩm đến sát với chỗ khách hàng sinh sống.

Tại Việt Nam, có vẻ cuộc cạnh tranh vẫn đang nằm ở “online” hay “offline” và đang là cuộc giành giật các điểm bán hàng chứ chưa phải là cuộc chạy đua về công nghệ. Có chăng, là sự tham gia khá tích cực của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính (fintech). Và nỗ lực lớn nhất vẫn đang thuộc về thế giới di động với việc kết nối giữa hai môi trường thực và ảo. Theo đó, người mua có thể lên mạng xem hàng, so sánh giá, đọc các đánh giá của cộng đồng, chat với nhân viên tư vấn và quyết định đặt mua trực tuyến. Hàng sẽ được đưa về cửa hàng gần nhất, để người mua đến tận nơi để “trải nghiệm sản phẩm” và đưa ra quyết định cuối cùng.

Một ẩn số chưa được công bố, là mấy cái viện nghiên cứu của Vingroup chắc chắn không thể làm ngơ trước cuộc cách mạng bán lẻ này, khi mà bán lẻ là một mảnh ghép rất quan trọng trong hệ sinh thái nhà - trường - chợ - bệnh viện - sản phẩm mà họ đang cố gắng phát triển. Đành chờ vậy.