Nội tạng hiến vừa thiếu, vừa thừa
Kể từ ca ghép thận thành công đầu tiên năm 1954, kỹ thuật ghép tạng đã cứu sống hàng trăm nghìn bệnh nhân. Lẽ ra đã có thêm nhiều người nữa được cứu nếu đủ tạng ghép. Theo Nbcnews, ở Mỹ hiện có trên 120.000 người chờ ghép tạng và ít nhất 20% không bao giờ nhận được. Tại thời điểm này, phần lớn các cơ quan nội tạng có khả năng sử dụng cho cấy ghép sẽ bị loại bỏ bởi chúng chỉ có thể tồn tại an toàn để sử dụng trong vòng 4-36 giờ.
Có một cách để cứu các cơ quan nội tạng được hiến tặng là sử dụng kỹ thuật đông lạnh. Mặc dù tinh thể băng có thể phá hủy các tế bào thường hình thành trong quá trình đông lạnh, nhưng các nghiên cứu trước đây cho thấy chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật ngâm mẫu vật ngập trong các chất chống đông - có thể giúp làm mát, qua đó giúp bảo quản các cơ quan này và ngăn chặn sự phân rã, hình thành tinh thể băng. Không may là tinh thể băng cũng có thể hình thành trong quá trình rã đông.
John Bischof - tác giả chính của nghiên cứu. Ảnh: AP
Hơn nữa, quá trình rã đông nếu diễn ra không đồng đều giữa các mẫu có thể gây tình trạng nứt. Do đó, dù đã có phương pháp làm lạnh an toàn các mô và cơ quan, chúng ta vẫn chưa phát triển được cách rã đông an toàn.
Niềm hy vọng mới
Trên tạp chí Science Translational Medicine tháng 3/2017, nhóm nhà khoa học Mỹ cho biết họ đã phát triển kỹ thuật nano giúp rã đông an toàn bộ phận cơ thể người. Họ bọc các mô bằng nano ôxít sắt mạ silic rồi kích hoạt sóng điện từ không xâm lấn để làm ấm nhanh và đồng nhất. Kết quả, các mẫu mô được làm ấm với tốc độ 1300C/phút, nhanh gấp 10-100 lần so với các phương pháp truyền thống.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên tế bào da người đông lạnh, van tim lợn và các phần động mạch của lợn. Kết quả, không mô nào có dấu hiệu tổn thương trong quá trình làm ấm. Quan trọng hơn, chúng vẫn giữ được các đặc tính vật lý chính như tính đàn hồi. Họ cũng đã thành công trong việc rửa sạch các hạt nano khỏi mẫu sau khi rã đông.
Trong khi các kỹ thuật trước đây chỉ có thể rã đông các mẫu sinh học nhỏ, kích cỡ từ 1-3mm thì kỹ thuật mới hoạt động tốt khi kích thước lên tới 50mm. Nhóm nghiên cứu tin tưởng họ có thể áp dụng kỹ thuật này cho các mẫu có kích thước lớn hơn. John Bischof - kỹ sư cơ khí và y sinh học tại Đại học Minnesota, tác giả chính của nghiên cứu - cho biết trên Live Science: “Chúng tôi hiện mới dừng ở mức cơ quan của thỏ. Chúng ta cần tìm cách đạt kích thước của các bộ phận cơ thể người. Đây là điều hoàn toàn có thể bởi không có trở ngại nào phía trước”.
Trong các nghiên cứu tiếp theo, nhóm của Bischof sẽ cố gắng ghép mô đã rã đông cho động vật sống để xem chúng hoạt động ra sao. Những thử nghiệm trên cơ và da người cũng sẽ được tiến hành trong vòng 18 tháng tới. Sau đó, họ sẽ thử nghiệm cho các bộ phận ở tay và mặt.
Dù khả quan như vậy, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng họ không chắc công nghệ này áp dụng được cho lĩnh vực bảo quản lạnh gây tranh cãi Cryonics (sử dụng các thiết bị đặc biệt gây chết lâm sàng rồi bảo quản con người hoặc não người trong điều kiện lạnh để chờ cơ hội hồi sinh trong tương lai, khi y học tìm ra cách chữa bệnh của người đó). “Có rất nhiều trở ngại lớn về mặt khoa học trong việc bảo quản toàn bộ cơ thể người. Hiện vẫn còn quá sớm để nói về vấn đề này” - ông Bischof nói.
Trong khi đó, đồng tác giả Kelvin Brockbank - Giám đốc điều hành của Tissue Testing Technologies ở Bắc Charleston (Mỹ) - nói: “Ngay cả khi bảo quản được toàn bộ cơ thể, việc làm cho các dây thần kinh vốn được thiết lập trong suốt cuộc đời duy trì được trong và sau khi bảo quản lạnh là điều vô cùng khó khăn. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể thành công với bài toán này trong vòng 100 năm tới”.
Theo Hiệp hội Bảo tồn các cơ quan nội tạng, chỉ cần bảo quản và cấy ghép thành công một nửa số tim và phổi được hiến tặng hiện tại thì cũng đã cứu được vô số người. Cụ thể, số lượng nội tạng đó sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu của những người chờ đợi ghép trong vòng 2-3 năm tới. |