Chỉ cần có vậy, là “giang hồ dậy sóng”. Kẻ khen người chê. Nhưng cuối cùng, anh em trong ngành khởi nghiệp học được gì từ trường hợp thú vị này?
Vì sao bạn đến trái đất này?
Xin nói ngay, người viết bài từng là đồng nghiệp của Trần Duy Khiêm, người đang muốn làm thay đổi hoàn toàn ngành logistics (điều vận) tại Việt Nam và khu vực. Theo dõi hành trình mỗi ngày của anh qua Nhật ký Smartlog, bởi vậy, những thông tin chia sẻ, có thể có thuận lợi là có quá trình, nhưng cũng có chút ảnh hưởng vì quan hệ bạn bè.
Điều hấp dẫn đầu tiên, là suốt 10 năm qua, dù Khiêm chuyển việc vòng quanh để tìm lý tưởng của đời mình, nhưng chưa bao giờ anh không làm gì thiếu liên quan tới lĩnh vực logistics, chuỗi giá trị. Những ngày xa lắc, khi khái niệm “chuỗi giá trị” còn lạ lẫm với hầu hết các doanh nghiệp Việt, thì Khiêm đã lụi cụi và kiên nhẫn thực hiện tạp chí Vietnam Supply Chain, dù công việc này chẳng được thừa nhận mấy. Bởi vậy, khi Khiêm khởi động nhật ký smartlog của mình, thì suy nghĩ duy nhất bật ra, là cuối cùng anh chàng cũng đã tìm ra được lý do “vì sao đến trái đất này”, và bỏ hết mọi thứ để đi thực hiện ước mơ của mình. Vậy chẳng vui hơn là những ai vẫn mải đi làm thuê để thực hiện ước mơ của người khác sao?
Theo Khiêm nhận định, ngành Logistics trên thế giới đang có quy mô khoảng 3 nghìn tỷ USD và hiện đang có rất nhiều lỗ hổng. Đây là cơ hội tuyệt vời để Smartlog có thể thay đổi ngành Logistics Việt Nam và thế giới. Với Smartlog, hiện công ty đang có doanh thu từ 2 nguồn: tư vấn cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành Logistics và cung cấp nền tảng ứng dụng cho doanh nghiệp vận hành dễ dàng hơn, số hóa hoạt động vận hành bằng Logistics. Hơn 50 doanh nghiệp lớn đang sử dụng dịch vụ của Smartlog.
Trần Duy Khiêm tại buổi thuyết trình. Ảnh: FB Shark Tank
Tuy nhiên, giấc mơ quá lớn trong khi doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu khiến Shark Việt phải buông lời khuyên nhủ rằng startup này “trước khi nhìn lên trời, hãy nhìn xuống đất”, đồng thời chỉ ra thị trường mà Smartlog cần chinh phục trước tiên là Việt Nam. Sau khi khuyên nhủ, vị “cá mập” lão luyện này cũng nhanh chóng từ chối đấu tư. Tiếp theo, Shark Hưng nhận định 116 tỷ không thể xoay chuyển cuộc chơi của các “ông lớn” mà Startup đề cập đến, vậy nên anh cũng không tham gia đầu tư. Với “cá mập” công nghệ Dzung Nguyễn, anh cũng sớm từ chối do chưa thấy tính thực tế của dự án. Đồng lòng với 3 cá mập nam còn có Shark Linh khi chị cũng nhanh chóng quyết định không đầu tư.
Bài học mang tên “khiêm”
Sau khi chương trình phát sóng, búa rìu dư luận đổ về. Khiêm nói: “Mỗi ngày, mình nhận được hơn chục comment ác ý về thái độ trong Sharktank mùa 2 và cũng có hàng chục lời động viên, an ủi, kết bạn! Không có nghịch cảnh ngày nay, dễ gì một lượng lớn bạn bè biết đến Smartlog, biết được khát khao góp phần thay đổi cả một ngành dịch vụ liên quan đến hàng triệu người? Mọi lời nói có phần quá lố là do lỗi của mình, chưa kiểm soát được cảm xúc. Nhưng dù mình có ra sao, mình chỉ muốn trên thế giới phải biết đến Việt Nam mình có một Smartlog như thế!”.
Ồ, không phải là lỗi của phần thuyết trình thiếu thuyết phục đâu. Lỗi khởi nghiệp quan trọng nhất của Khiêm, chính là muốn một mình thâu tóm tất cả. Trong một thế giới rộng mở với độ kết nối cao, và đặc biệt trong ngành điều vận mà Khiêm tham gia, thì việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu phải là điều quan trọng nhất. Smartlog muốn làm trùm, chứ không phải là một thành tố của một hệ sinh thái hoàn chỉnh, là đã thiếu khiêm tốn và sai con đường chiến lược từ đầu.
Nhớ lại, chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung từng chia sẻ về thế hệ 8X như Khiêm: “Hoài bão, nhiệt huyết thì có thừa và nhiều bạn đã nhìn thấy trước tương lai của mình. Nhưng một số bạn vẫn còn lúng túng trong việc xác lập con đường phía trước. Lý tưởng cống hiến sẽ tuyệt vời hơn nếu đặt “cái riêng” nằm trong “cái chung” của đất nước. Điều mà một quốc gia lo sợ đó là thế hệ trẻ của mình không mang trong mình những khát vọng lớn”. Có vẻ, Khiêm định nghĩa “khát vọng lớn” bị sai.
Và tiếp theo, trong danh sách những lý do khởi nghiệp thất bại mà Forbes nghiên cứu ra, thì Smartlog đang đứng trước khá nhiều rủi ro. 1/ Hết tiền mặt là lý do lớn thứ hai của khởi nghiệp thất bại, và Smartlog có vẻ đang sắp hết tiền với cách gọi đầu tư “không cần tiền” này. 2/ Không có đội ngũ đúng, thì Smartlog lên truyền hình nói rằng người sáng lập của mình đang đi nghỉ mát trong khi team đi gọi vốn. Dù lý do gì đi nữa, không ai muốn tham gia vào một đội ngũ hơi lạ đời như vậy. 3/ Quản lý chi phí không hiệu quả. Đến thời này rồi mà còn tự bỏ tiền ra nghiên cứu phát triển một con robot, mà nói như các shark, là “xấu mù”, thì có vẻ đang đốt tiền không hiệu quả. 4/ Sản phẩm không rõ.
Trong khởi nghiệp có khái niệm “bài thuyết trình trong thang máy” - có nghĩa là trong vòng 1 phút phải nói rõ được sản phẩm của mình là gì, phục vụ ai, vì sao ra đời. Khiêm nói khá lâu mà những người ngồi nghe tại chỗ của không biết là Smartlog làm cụ thể là gì, chưa kể còn đội thêm cái mũ “tôi là tài xế”. 5/ Không xoay quanh trụ kinh doanh chính. Chỉ trong nháy mắt, Khiêm lại giới thiệu về một công ty khác mà bên mình sắp mở ra. Nói như Micheal Porter - nhà nghiên cứu quản trị hàng đầu thế giới - thì thứ khó nhất là biết cái gì không nên làm, vì phải tập trung cho những thứ cần làm.
Đúng như một cố vấn đồng hành (mentor) của Shark Tank nhận định, Smartlog là một trường hợp đáng theo dõi, vì còn nhiều chuyện hay trong ngành công nghiệp rất yếu này của Việt Nam, mà với những lỗ hổng mà họ đã thử nghiệm thông qua trò chơi truyền hình này, biết đâu sẽ xuất hiện một kỳ lân khác của Việt Nam.