Người bạn nhỏ của con
Không náo nhiệt và ồn ào như Sophia, robot đầu tiên được cấp quyền công dân mới đây đến Việt Nam, Captaineye - chú robot 100% made in Vietnam của Công ty cổ phần Virobo cũng thu hút khá đông phụ huynh và các em nhỏ tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm về công nghiệp 4.0.
Trong khi Sophia có những giao tiếp rất… robot, trả lời các câu hỏi được chuẩn bị trước về cuộc cách mạng 4.0, thì “vẻ mặt” dễ thương của chú robot Captaineye khiến nhiều người hứng thú chiêm ngưỡng và trải nghiệm tại gian hàng chỉ rộng chưa đến 3m2.
Khuôn mặt mếu, cùng lời nhắc “bạn đang vi phạm khoảng cách” không khiến bé Tuấn (12 tuổi, Cầu Giấy) cảm thấy khó chịu mà vui vẻ chỉnh lại tư thế ngồi khi đang cúi sát mặt xuống bàn.
Đó chỉ là một trong những tính năng của robot Captaineye - giúp trẻ ngồi đúng tư thế khi học. Trong lá thư gửi khách hàng, Giám đốc kinh doanh Nguyễn Hữu Cường viết: Sau năm học lớp 1 con tôi đã bị cận thị và có dấu hiệu bị gù lưng do việc ngồi học sai tư thế. Tuy nhiên việc chống gù cần phải luyện tập và giám sát thường xuyên. Việc này ban đầu không vấn đề gì nhưng cuộc sống hiện đại bận rộn,công việc nhiều áp lực khiến gia đình chúng tôi phát sinh những mâu thuẫn liên quan đến việc học tập của cháu. Nguy hiểm hơn là chúng tôi hay la mắng, dọa nạt cháu mỗi khi cháu làm sai, dẫn đến cháu luôn có cảm giác lo sợ khi bố mẹ đứng gần lúc ngồi học.
Robot Captaineye tại triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. Ảnh: Đoàn Dung
Câu chuyện gia đình anh Nguyễn Hữu Cường là câu chuyện chung mà nhiều gia đình hiện nay đang gặp phải. Hiện ở Việt Nam bệnh cận thị học đường đang có chiều hướng gia tăng, một trong nguyên nhân là ngồi sai tư thế khi học, vẽ, đọc sách. Việc ngồi sai như vậy còn gây ra cả bệnh cong vẹo cột sống. Để giúp cho trẻ em, học sinh ngồi đúng tư thế học, hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm như cằm chống cận, áo chống cận… Tuy nhiên các sản phẩm đều gây ra cảm giác khó chịu và không thoải mái cho trẻ nên hiệu quả không cao.
“Xuất phát từ thực tế đó, với tư cách là người cha, là kỹ sư, chúng tôi đã sáng tạo và sản xuất ra sản phẩm Captaineye - một chú robot được ứng dụng công nghệ cho sức khỏe và phát triển kỹ năng trẻ em, nâng cao cuộc sống gia đình và xã hội” - anh Nguyễn Hữu Cường nói.
Captaineye có khả năng đo khoảng cách bằng cảm biến siêu âm hoặc cảm biến ánh sáng, khi trẻ ngồi vẹo hoặc cúi gằm chú robot sẽ hiện khuôn mặt đỏ và phát tín hiệu cảnh báo để trẻ điều chỉnh lại tư thế ngồi cho phù hợp.
Ngoài ra, chú robot còn có thể nhắc nhở trẻ học tập và sinh hoạt đúng theo thời gian biểu đã được bố mẹ thiết lập qua ứng dụng trên điện thoại. Thậm chí, robot có thể ghi âm giọng nói của các nhân vật trẻ yêu thích, để mỗi khi cần nhắc giờ, sẽ phát ra tiếng của nhân vật đó.
Mọi thông tin về việc trẻ ngồi đúng tư thế hay không,có làm theo thời gian biểu được cài đặt hay không đều được gửi tín hiệu đến các vị phụ huynh. Ứng dụng Captaineye còn cung cấp biểu đồ phân tích về tình hình tự học, thói quen cũng như tuân thủ thời gian biểu.
Tuy nhiên một vấn đề mà chị Quỳnh Anh (phụ huynh cháu Tuấn) vẫn còn băn khoăn là với gia đình có hai con cùng trong cấp độ tiểu học thì phải sắm cùng lúc hai chú robot Captaineye? Trước thắc mắc này, ông Nguyễn Hữu Cường cho biết, nếu hai trẻ ngồi học cùng bàn thì có thể sử dụng chung một robot Captaineye, tuy nhiên, trong trường hợp một trẻ ngồi học sai tư thế, một trẻ ngồi đúng tư thế thì bố mẹ không biết ai ngồi đúng, ai ngồi sai. “Chúng tôi đặt ra mục tiêu giải quyết bài toán cá nhân hóa bởi mỗi cá nhân đều có một tính cách khác nhau. Nếu cung cấp một sản phẩm giải quyết nhiều tính cách khác nhau thì bài toán đó không tối ưu”.
100% made in Vietnam
Tổng giám đốc Virobo Phạm Tuấn Anh khẳng định Captaineye là robot 100% made in Vietnam đầu tiên. “Chúng tôi tự thiết kế và đặt khuôn đúc nhựa, tự thiết kế mạch và sản xuất, lắp ráp PCB, tự phát triển hệ điều hành nhúng cho mạch tích hợp và tự phát triển hệ thống cloud server” - Tổng giám đốc Virobo Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Trong bối cảnh là ngành phụ trợ công nghiệp của Việt Nam còn yếu và thiếu, anh cho biết công ty đã mất nhiều thời gian đi tìm đối tác gia công sản xuất để có thể “hoàn thiện một robot thương mại thì từ khuôn mẫu, sản xuất mạch, đóng gói…”. Ngoài ra, hiện chưa có nhiều nhóm phát triển robot ở Việt Nam nên họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu chế tạo robot.
“Từ những khó khăn đó, chúng tôi có mong muốn hình thành một nhóm hỗ trợ khởi nhiệp 4.0 để các nhóm khởi nghiệp đi sau không vấp phải những khó khăn vất vả như chúng tôi. Để kinh nghiệm được chia sẻ và trau dồi” - Tổng giám đốc Virobo tâm sự.
Trong tương lai, robot Captaineye sẽ tích hợp thêm nhiều tính năng hữu dụng như cảm biến ánh sáng để biết được vị trí ngồi học có đủ ánh sáng hay không, camera để bố mẹ tương tác video call với trẻ ngồi học ở nhà. Ngoài ra Virobo còn phát triển hệ sinh thái gia sư thông minh với Robot Captaineye.
“Như giấc mơ và khát vọng của chúng tôi, chúng tôi đang tiếp xúc và tìm các đối tác thị trường ở các nước Nhật, Hàn Quốc, Đông Nam Á, các nước EU và Mỹ… để đưa robot Captaineye ‘go global” - anh Nguyễn Hữu Cường nói.