Sau hơn 3 năm ra đời, cách học kiểu FUNiX (The FUNiX way) bắt đầu lan rộng thông qua chuỗi nhượng quyền xSchool đã có mặt ở Hà Nội, Quy Nhơn, TPHCM và Huế. Ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX, trường đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam chuyên đào tạo kỹ sư phần mềm, trò chuyện với KH&PT về triết lý và bản chất của cách học này.

TS Nguyễn Thành Nam. Ảnh: Soha
TS Nguyễn Thành Nam. Ảnh: Soha

“Trực tuyến chỉ là công cụ”

Theo ông, khi xây dựng đại học online, khó nhất là vấn đề nền tảng kỹ thuật hay nội dung chương trình?

Mọi người hay nghĩ về khía cạnh trực tuyến. Thực chất trực tuyến chỉ là công cụ. Tất cả các vấn đề của trường học là về giáo dục. FUNiX sinh ra cũng để giải quyết các vấn đề về giáo dục, và dùng công nghệ để làm việc đó. Ví dụ, để giải quyết vấn đề rất bức xúc của giáo dục là sách giáo khoa, chúng tôi đã quyết định dùng các online course. Bài giảng được đưa lên mạng dưới dạng MOOC (khóa học đại trà trực tuyến mở) rất nhiều. Có cái mất tiền, có cái miễn phí. Việc của chúng tôi là đi chọn. Các bài giảng đưa về FUNiX đều có subtitle (phụ đề) tiếng Việt. Giống như tải phim Hollywood về xem, dần dần người xem có thể tắt phụ đề đi. Cái được đầu tiên là nó luôn được cập nhật, không như vừa mua một cuốn sách về đã bị lạc hậu. Nhiều khi chúng tôi update nhanh quá, còn bị mọi người bảo là “không có tính kế tục”.

Công việc quan trọng nhất trong vận hành một đại học online là gì?

Là kết nối. Đặc điểm của FUNiX là không có giảng viên, nhưng học viên được kết nối 1-1 với mentor [cố vấn học tập] là các chuyên gia IT người Việt hàng đầu ở trong nước và nước ngoài. Hiện số mentor của chúng tôi đã lên đến gần 3 nghìn, chỉ kém số sinh viên một chút. Nhiệm vụ chính của họ là giải đáp các thắc mắc của sinh viên về các kiến thức trong nội dung học tập bất kỳ lúc nào.

“Hỏi là học”

Chương trình đào tạo của FUNiX có giống với ĐH FPT không?

Nó tương thích. Chỉ có cách học khác nhau. Để so sánh, với trường truyền thống, sinh viên 18 tuổi vào trường, chẳng ai nghĩ sau này làm gì. Mài đũng quần xong 4 năm là đi ra. Ở FUNiX, mục đích học tập là từ người học. Tại sao phải học nó, bạn cần kiến thức để làm việc hay để lấy bằng, đó là việc của bạn. Việc của FUNiX là bày ra con đường. Đi hết con đường hay không cũng là việc của bạn. Đi trong bao lâu cũng là việc của bạn nốt. Nếu lười thì bạn đi chậm. Không đi hết cũng không sao.

Vậy cuối cùng thì nhà trường can thiệp gì vào quá trình học của sinh viên?

Ở FUNiX, người học một mình một lớp, học ở đâu tùy thích, học lúc nào thì học, không có ai thúc ép bạn cả. Nhưng nhà trường sẽ can thiệp vào một số mốc. Ví dụ như sau 2 tuần bạn phải phải làm 3 bài tập, đặt 5 câu hỏi mà chưa hoàn thành thì sẽ có nhân viên hỗ trợ học tập gọi điện hay liên lạc online để “dỗ” bạn. Hỏi han, tâm sự chứ không phải căn vặn gì cả. Có cả nghìn lý do để học viên không đạt mốc, nhiệm vụ của “dỗ viên” là phân loại các lý do đó ra. Nếu học viên muốn bỏ thì chả có cách gì ngăn được họ cả. Nhưng nếu chưa, thì phải “dỗ”. Nghề này cũng (có mặt) rất giống tư vấn tâm lý.

Một vấn đề nữa là đánh giá chất lượng học viên thế nào. Thực ra, qua việc học viên hỏi, rồi qua việc nói chuyện với “dỗ viên” là đã có thể hình dung được chất lượng học viên. Tất cả các cuộc thi của chúng tôi được tổ chức theo hình thức vấn đáp online. Trong thi cử, thi vấn đáp là sinh viên khó “cheat” (gian lận) nhất, thầy có thể hỏi những câu bất ngờ, ông nào không nắm được kiến thức là lộ ra ngay.

Liệu thi vấn đáp có khách quan?

Thi vấn đáp trong đại học là tốt nhất. Vấn đề là ai hỏi. Mình phải giả thiết là ông thầy đàng hoàng. Ngoài ra, phải có surpervise (giám sát) chứ không phải chỉ có thầy trò với nhau. Tất cả các trường hàng đầu đều thi vấn đáp. Duy có một điểm rất khó của hình thức này là “tốn” thầy, tốn tiền. Cách thi như vậy rất giống phỏng vấn tuyển người ở công ty. Không có công ty nào mà người xin việc chỉ viết đơn mà được nhận. Thi vấn đáp sinh viên mới được rèn luyện. Còn kiến thức, chỉ qua cách họ làm bài tập, hỏi, trao đổi là đã biết được trình độ. Đã đủ điều kiện để đi thi nghĩa là về cơ bản đã đạt rồi. Giống như thi hoa hậu, thí sinh phải đẹp hết rồi. Cái chính ở đây là xem sinh viên có bản lĩnh không. Đây không phải là vấn đề học online hay không, mà là vấn đề của giáo dục. Hiếm trường truyền thống nào có đủ thầy để giao tiếp với từng sinh viên. Cũng có trường như vậy, nhưng rất đắt. Chính internet đã mở ra cơ hội cho chúng tôi làm được việc tạo ra giao tiếp 1-1 giữa người học và mentor với chi phí rất thấp.

Ngày 10/3/2019, FUNiX đã tổ chức cho hơn 50 học viên đến tham quan F-Town ở quận 9 TPHCM. Trong ảnh là một trong những học viên nhỏ tuổi nhất của FUNiX trong đợt tuyển sinh năm 2019. Em Nguyễn Tấn Đạt, sinh năm 2005, học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt, chia sẻ: “Em đam mê lập trình và học FUNiX với mong muốn sau này có thể trở thành lập trình viên về game.” Ảnh: chungta.vn
Ngày 10/3/2019, FUNiX đã tổ chức cho hơn 50 học viên đến tham quan F-Town ở quận 9 TPHCM. Trong ảnh là một trong những học viên nhỏ tuổi nhất của FUNiX trong đợt tuyển sinh năm 2019. Em Nguyễn Tấn Đạt, sinh năm 2005, học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt, chia sẻ: “Em đam mê lập trình và học FUNiX với mong muốn sau này có thể trở thành lập trình viên về game.” Ảnh: chungta.vn

Hình như bản thân ông cũng là một mentor ở FUNiX?

Đúng vậy. Khi sinh viên muốn “hỏi ông này” thì mình phải trả lời. Nói thật, ở các trường truyền thống, sinh viên đi học, thậm chí đi làm đến 10 năm cũng chẳng có cơ hội nói chuyện với tôi.

Còn ở FUNiX, phải nói rằng, nếu biết hỏi thì rất dễ làm quen với chuyên gia. Lúc đầu có thể họ không biết, sau này mới ngạc nhiên là một chuyên gia hàng đầu có thể “chat” với mình cả tối.

Chúng tôi quan niệm, “hỏi tức là học”. Làm sao để sinh viên có kỹ năng hỏi là chuyện chúng tôi đau đáu nhất và quyết theo. Về cơ bản, sinh viên Việt Nam chưa biết hỏi, họ không được dạy để hỏi, thậm chí hỏi nhiều còn bị mắng. Tôi có thể khẳng định FUNiX là trường đại học duy nhất ở Việt Nam đang dạy kỹ thuật đặt câu hỏi bằng cách bắt phải hỏi.

Chúng tôi cần nhất ở sinh viên 2 kỹ năng: tự biết phải học gì và hỏi ai. Nếu có 2 kỹ năng đó, coi như sinh viên có thể tốt nghiệp.

“Sinh viên” từ 12 – 76 tuổi

Ông có nắm được sinh viên của mình là những đối tượng nào không, họ là những người lần đầu học đại học hay đang đi làm? FUNiX có các sinh viên vùng sâu vùng xa không?

Có rất nhiều loại, ở khắp các quốc gia. Trẻ nhất là 12 tuổi, già nhất 76 tuổi. Rất nhiều người đang du học ở nước ngoài, đó là điều khiến tôi bất ngờ. FUNiX cũng có nhiều sinh viên ở Sơn La, Lào Cai. Mà chính họ là những người học rất “lên màu”. Hãy tưởng tượng, một phụ xe ở tỉnh xa theo học giáo trình của MIT do 3 mentor Việt hướng dẫn, khi hoàn thành khóa học có thể có trình độ tương đương lập trình viên được đào tạo ở Mỹ.

Theo thông tin cập nhật ngày 28/2/2019, FUNiX hiện có 3.021 sinh viên ở 63 tỉnh/thành phố và 23 quốc gia. Các sinh viên đã đặt 58.868 câu hỏi cho các mentor (cố vấn học tập) trong các phiên hỏi đáp 1-1. Hiện FUNiX có 2.693 mentors là các chuyên gia IT ở trong và ngoài nước.

Nếu học full course của FUNiX để nhận bằng thì chi phí so với khóa học tương tự ở ĐH FPT là như thế nào? Nếu học nhanh hơn thì học viên có tiết kiệm được học phí?

So với ĐH FPT, full course là khoảng 240 triệu đồng, thì FUNiX là 80 triệu đồng. Học phí tương đương 10 triệu đồng/kỳ. Với mức học phí này, người học nhanh hơn cũng không tiết kiệm được đáng kể. Nhưng quan trọng là nếu học nhanh hơn thì người ta sẽ dùng thời gian đó để đi làm. Tiết kiệm thời gian mới là quan trọng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.