Mặc dù giá thành cao, ngay khi vừa khởi động, nhà máy này nhận được đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới và đã bán hết ⅔ sản lượng của vòng đời nhà máy.

Cách đây vài ngày, nhà máy thu giữ carbon Orca, ngay ngoại ô Reykjavik, Iceland, đã khởi động và bắt đầu hút carbon dioxide từ không khí. Những người tạo ra nhà máy hy vọng nó sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong tương tác của con người với khí hậu.

Hiện tại, Orca là nhà máy lớn nhất trong ngành công nghiệp mới, “thu giữ carbon trực tiếp từ không khí”, nhằm loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển. Khi thu được CO2 và lưu trữ dưới lòng đất, lượng CO2 này được coi là “phát thải âm” - đây là phương pháp cần thiết để giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu nhưng đến nay chưa phát triển mạnh. Để giữ nhiệt độ trong khoảng 1,5°C hoặc 2°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, theo thỏa thuận khí hậu Paris, con người sẽ phải loại bỏ hàng trăm hoặc hàng nghìn tỷ tấn CO2 khỏi bầu khí quyển trong nửa sau của thế kỷ này.

Nhà máy thu giữ carbon Orca, ngay bên ngoài Reykjavik, Iceland

Đến nay, phương pháp duy nhất để thực hiện mục tiêu loại bỏ carbon là trồng cây - song trồng cây không phải không có những nhược điểm nhất định. Rừng có thể bị cháy và bị đốn hạ. Khi đó, phần lớn carbon mà chúng lưu trữ sẽ phát tán trở lại vào khí quyển. Nhà máy Orca đại diện cho một phương pháp loại bỏ CO2 khác. Climeworks, công ty sở hữu Orca, đã phát triển các bộ lọc hóa học có chức năng hút CO2 khi không khí đi qua chúng. Khi được làm nóng, bộ lọc giải phóng CO2, nhưng dưới dạng một dòng khí, chuyển đến cho một công ty khác có tên là Carbfix để tiếp tục thực hiện quy trình xử lý CO2.

Carbfix dẫn khí đến các giếng gần đó, trộn khí với nước và bơm nước pha lẫn CO2 thu được được vào nền đá bên dưới mặt đất. Ở Iceland nền đá gần như hoàn toàn là đá bazan núi lửa, chứa các khoáng chất phản ứng với carbon dioxide để tạo thành canxi cacbonat, một tinh thể màu trắng thành phần chính trong đá vôi. Tóm lại, toàn bộ quy trình từ Orca đến Carbfix sẽ lấy CO2 từ không khí và biến nó thành đá. Nguồn điện cho quy trình này đến từ một trạm năng lượng địa nhiệt gần đó.

Tuy nhiên, sản lượng lại là một vấn đề khác. Dù là nhà máy lớn nhất, Orca chỉ thu được 4.000 tấn carbon dioxide mỗi năm, trong số khoảng 35 tỷ tấn được sản xuất bởi đốt nhiên liệu hóa thạch. Climeworks “tự tin” có thể đạt sản lượng hàng triệu tấn vào cuối thập kỷ này.

Một vấn đề khác là chi phí. Orca tốn khoảng 600-800 USD để cô lập một tấn carbon dioxide, và Climeworks bán các gói bù đắp carbon dioxide cho các công ty khác với giá khoảng 1.200 USD/tấn. Thông thường, trên thị trường phát thải, các nhà phát thải được phép phát thải trong một giới hạn nhất định, và sau đó phải mua thêm quyền phát thải hoặc mua “phát thải âm” từ các công ty thu giữ carbon, như Climeworks, nếu phát thải vượt quá giới hạn này. Sản lượng của nhà máy Orca chính là lượng “phát thải âm” mà nó tạo ra và có thể bán cho các nhà phát thải để thu về lợi nhuận. Climeworks cho biết họ có thể cắt giảm chi phí và giá bán xuống gấp 10 lần nếu mở rộng quy mô hơn nữa.

Mặc dù mức giá hiện tại rất cao, dường như vẫn không thiếu khách hàng sẵn sàng trả chi trả. Climeworks đã bán hết khoảng hai phần ba sản lượng "phát thải âm" mà Orca có thể tạo ra trong suốt vòng đời của nhà máy. Khách "mua hàng" là các tập đoàn lớn đang tìm cách bù đắp cho lượng phát thải vượt ngưỡng của họ, chẳng hạn như Microsoft, Swiss Re, v.v... Ngoài ra, có hơn 8.000 cá nhân tư nhân khác.

Climeworks không phải là công ty duy nhất trong thị trường này. Sử dụng một quy trình hóa học khác, Carbon Engineering, một công ty của Canada, đang chuẩn bị khởi động nhà máy thu giữ carbon của họ. Sẽ cần nhiều hơn nữa những kỹ sư và nhà tài chính tiên phong như các công ty này để xây dựng một ngành công nghiệp thu giữ carbon có quy mô hàng tỷ tấn, nhưng có vẻ như ngành công nghiệp này đang khởi động.

Nguồn: