ThS. Lý Hải Triều (Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM) cùng các cộng sự đã khảo sát và phát hiện, cao chiết từ quả chuối hột có khả năng ức chế sỏi tiết niệu.

Sỏi tiết niệu là bệnh lý xuất hiện ngày càng phổ biến, ở mọi lứa tuổi và giới tính nhưng thường gặp ở người trưởng thành. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu cao của thế giới. Bệnh lý sỏi tiết niệu nếu phát hiện muộn và không điều trị kịp thời sẽ gây tắc nghẽn đường tiết niệu và các biến chứng như tiểu máu, ứ nước thận, thận ứ mủ, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, suy thận mãn tính. Hiện nay hầu như chưa có thuốc hoá dược nào thật sự hiệu quả trong điều trị sỏi tiết niệu, đặc biệt là khả năng dự phòng tái phát sỏi. Trong điều trị nội khoa (dùng thuốc) và ngoại khoa (tán sỏi) thường gây tác dụng phụ, gây xâm lấn, tai biến và tỷ lệ tái phát cao. Do đó, y học hiện đại hay cổ truyền đều khuyến cao dự phòng sỏi và dự phòng tái phát sỏi.

Cây
Cây, hoa và quả chuối hột. Ảnh: NVCC

Một trong những phương pháp dự phòng là sử dụng các loại dược thảo có tác dụng bài sỏi, bởi phương pháp này an toàn, ít hoặc không tác dụng phụ, tác dụng lâu dài. Một số vị thuốc được dân gian sử dụng cũng như các nghiên cứu hiện đại chứng minh có tác dụng trên bệnh lý sỏi tiết niệu như kim tiền thảo, râu bắp, atiso, chuối hột,… Trong đó, chuối hột hay còn gọi là chuối hạt, chuối chát, có tên khoa học là Musa balbisiana Colla, với đặc trưng quả chứa nhiều hạt, được xem như là một vị thuốc. Các bộ phận của cây chuối hột đều được dân gian sử dụng trong chữa bệnh như sỏi đường tiết niệu, kiết lị, sốt cao, ho ra máu, đau răng,…

Tuy nhiên, tác dụng chữa bệnh của chuối hột mới chỉ được sử dụng trong dân gian thông qua kinh nghiệm và truyền miệng, chưa được chứng minh tác dụng bằng các thực nghiệm khoa học. Một số nghiên cứu cho thấy quả chuối hột có chứa polyphenol, flavonoid, saponin, coumarin, phytosterol, diterpenoid,… Cho đến nay, ở trong nước, các nghiên cứu về quả chuối hột còn khá ít, chưa có công bố cụ thể nào về quy trình chiết xuất cao chiết bán thành phẩm, cũng như tác dụng ức chế sỏi tiết niệu của quả chuối hột. Trước thực tế đó, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Khảo sát tác dùng phòng ngừa sỏi tiết niệu của cao chiết từ quả chuối hột”.

Chuối hột còn tươi xanh, sau khi thu hái được làm sạch, để ráo nước, rồi thái lát, sấy khô ở nhiệt độ 50 – 60oC và xay thành bột làm nguyên liệu để chiết xuất cao. Phương pháp chiết xuất là đun hồi lưu, sử dụng dung môi ethanol 45%, ở nhiệt độ 70 – 80oC trong 60 phút sẽ thu được dịch chiết. Sau đó, đem cô quay giảm áp dịch chiết ở 70oC để thu cao loãng, tiếp tục cô cao loãng trên bếp cách thủy ở 70oC thu được cao chiết ethanol 45% từ quả chuối hột.

Thử nghiệm sự hiện diện của
Thử nghiệm sự hiện diện của flavonoid trong cao chiết quả chuối hột Ảnh: NVCC

Đánh giá hoạt tính sinh học cho thấy, cao chiết từ quả chuối hột có khả năng kháng viêm, kháng oxy hóa, kháng khuẩn (E. Coli, S. aureus, P. aeruginosa). Đồng thời, có khả năng kháng sỏi, do ức chế sự tạo mầm và lắng đọng tinh thể calci oxalat (thành phần phổ biến nhất của sỏi tiết niệu). Ngoài ra, trong cao chiết còn có các chất béo, tinh dầu, flavonoid, saponin,…

Khảo sát ở chuột cho gây sỏi (uống ethylen glycol) và sử dụng cao chiết trong 28 ngày cho thấy, đã làm tăng nồng độ magie (chất ức chế các tinh thể calci oxalat), giảm nồng độ calci, phospho (giảm nguy cơ hình thành sỏi) và cải thiện mô thận (gần như bình thường). Ngoài ra, cao chiết cũng có tác dụng lợi tiểu sau 7 ngày chuột sử dụng. Các kết quả này chứng tỏ, cao chiết từ quả chuối hột có tác dụng hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu.

Kết quả nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua, là cơ sở khoa học cho việc sử dụng, sản xuất chế phẩm từ quả chuối hột trong hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu.