Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM vừa tiến hành nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ giữa đặc điểm hình thái, di truyền với hàm lượng saponin ở cây đinh lăng.
Cây đinh lăng Polyscias fruticosa L. Harms (còn có tên là đinh lăng lá nhỏ) là một trong 7 loài đinh lăng có mặt tại Việt Nam và được sử dụng như một loại thuốc quý trong y học cổ truyền do có chứa hai hợp chất quan trọng là saponin và polyacetylene. Cây cũng được xếp vào nhóm 20 loài dược liệu có nhu cầu lớn cho sản
xuất thuốc và danh sách 36 giống dược liệu bản địa, cần chú
trọng phát triển nguồn giống có năng suất cao, chất lượng tốt.
Theo TS Nguyễn Xuân Dũng, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu mối liên hệ giữa đặc điểm hình thái, di truyền với hàm lượng saponin ở cây đinh lăng”, một trong những vấn đề quan trọng của việc chọn giống đinh lăng hiện nay là làm sao xác định được nhanh chóng các dòng đinh lăng có khả năng sản xuất dược chất (saponin) tốt trong nhiều dòng đinh lăng hiện có tại Việt Nam. Do các dòng đinh lăng thường có hình thái bên ngoài tương tự nhau, đặc biệt hơn, hình thái của cùng một cá thể có thể thay đổi theo điều kiện dinh dưỡng và yếu tố địa lý, việc chọn giống bằng phương pháp truyền thống dựa trên hình thái trở nên khó khăn và thiếu chính xác. Để giải quyết vấn đề này, cần có những nghiên cứu sâu về đặc điểm di truyền, kết hợp với phân tích mối liên hệ giữa hình thái và hàm lượng saponin.
Nhóm tác giả đã thu thập 30 mẫu cây đinh lăng lá nhỏ từ 3 – 5 năm tuổi ở các tỉnh Đồng Tháp, TPHCM, Tây Ninh, Đắc Lắc, An Giang. Các cây này được nhóm phân tích đặc điểm di truyền, hàm lượng saponin và mối liên hệ giữa đặc điểm hình thái, di truyền với hàm lượng saponin.
Kết quả cho thấy, các cây đinh lăng thu thập ở các tỉnh khác nhau có sự khác biệt về chiều cao, đường kính tán. Hình thái (thân nâu xám, lá kép lông chim, chóp lá nhọn,…) của các cây này cơ bản giống nhau. Các mẫu đinh lăng thu thập sau 2 năm trồng cũng cho hàm lượng saponin khác nhau. Trong đó, nhóm đinh lăng thu thập tại Đồng Tháp có hàm lượng saponin cũng như sự thay đổi hàm lượng (ban đầu thu thập và sau hai năm trồng) cao nhất, nhóm đinh lăng Tây Ninh thấp nhất.
Theo nghiên cứu, đặc điểm hình thái của các mẫu đinh lăng thu thập không có mối liên hệ với đặc điểm di truyền và hàm lượng saponin. Để phân biệt nhóm đinh lăng có hàm lượng saponin cao và thấp, cần sử dụng kỹ thuật chỉ thị phân tử ISSR. Trong đó, nhóm đinh lăng có hàm lượng saponin cao có thể được nhận diện bằng tổ hợp 4 chỉ thị phân tử ISSR (U836, U857, W7 và CT8).
Theo TS Dũng, việc nhận diện được nhóm đinh lăng có hàm lượng saponin cao và thấp thông qua đặc điểm di truyền đặc trưng có ý nghĩa quan trọng đối với việc chọn giống chất lượng cao. Vì vậy, có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu nói trên vào việc đánh giá và chọn lọc các dòng đinh lăng có hàm lượng saponin cao phục vụ sản xuất.