Các nhà khoa học đã tìm ra cách giải quyết vấn đề rác điện tử đang chồng chất trên hành tinh của chúng ta: nghiền nát để biến chúng thành dạng bụi nano.
Theo ước tính của các nhà khoa học, lượng rác điện tử sẽ đạt tới 50 triệu mét khối trong năm tới. Và vấn đề này sẽ thực sự là một thảm họa cho môi trường.
Một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Rice, Texas với sự tham gia của kỹ sư vật liệu Chandra Sekhar Tiwary đã tìm ra cách nghiền nát được rác điện tử này.
Họ sử dụng một máy xay lạnh – một máy nghiền có buồng làm lạnh để ngăn cản những vật nhạy cảm với nhiệt bị nóng chảy quyện vào nhau – các kỹ sư đã có thể biến bảng mạch điện tử thành hạt nano mà không gây ô nhiễm.
So với việc chôn chất thải điện tử hoặc thu hồi kim loại hoặc hơp kim thông qua đốt và xử lý hóa học, nhóm nghiên cứu cho rằng cách thức nghiền lạnh có thể tạo ra hiệu quả kinh tế tốt hơn.
“Những cách xử lý rác điện tử khác là chu trình một chiều, và việc đốt hoặc sử dụng hóa chất để xử lý rác thải sẽ tốn nhiều năng lượng hơn, trong khi vẫn tạo ra chất thải. Chúng tôi giới thiệu một hệ thống có khả năng phá vỡ mọi hợp chất: oxit, kim loại, polymer thành bột đồng nhất và có thể tái sử dụng” - Chandra Sekhar Tiwary nói.
Để minh chứng, nhóm nghiên cứu lấy 2 bảng mạch từ chuột máy tính và sử dụng máy làm lạnh để nghiền chúng ở nhiệt độ -182 độ C nhờ dòng nito lỏng chứa trong máy.
Ngoài nito lỏng, khoang nghiền của máy còn chứa cả khí argon và một quả bóng thép nhỏ, giúp nghiền nát các bảng mạch thành bột dạng phân tử mịn với kích thước 20-100 nanomet (trong khi tóc người có kích thước từ 80.000 tới 100.000 nanomet).
Sau khi bị nghiền nát, các hạt phân tử nano được cho vào nước để phân tách và tái sử dụng.
Thực tế là việc nghiền nát một bảng mạch trong con chuột máy tính không giải quyết được hoàn toàn núi rác thải điện tử khổng lồ mà con người tạo ra nhưng nó cũng mở ra một hướng đi mới cho việc tái chế rác thải là thiết bị điện tử.
Hiền Thảo (theo SA)