Những chiếc điện thoại cũ mang trong nó khá nhiều kim loại và khoáng sản quý. Một chiếc iPhone thường chứa khoảng 0,034gr vàng, 0,34gr bạc, 0,015gr palladium, gần 0,001gr bạch kim, 15gr đồng, 25gr nhôm. Điện thoại thông minh cũng chứa các loại đất hiếm như yttrium, lanthanum, terbium, neodymium, gadolimium và praseodymium - những chất vốn có nhiều trên Trái đất nhưng việc khai thác rất tốn kém. Danh sách các vật liệu có thể tái chế từ chiếc điện thoại còn có nhựa, kính...
Trong điện thoại cũ có nhiều kim loại, khoáng chất quý. Ảnh: Huffington Post
Hàm lượng kim loại quý trong điện thoại cao hơn hàm lượng của chúng trong quặng tự nhiên. Chẳng hạn, lượng vàng có trong 1 tấn iPhone cao hơn 300 lần so với trong 1 tấn quặng vàng, tỷ lệ chênh lệch là 6,5 lần đối với bạc.
Hiện chỉ 10% số điện thoại cũ trên thế giới được tái chế và đây được coi là sự lãng phí lớn. Mặc dù các nguyên liệu quý kể trên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong chiếc điện thoại nhưng với hơn 2 tỷ người đang sử dụng thiết bị này, thời gian đổi điện thoại mới trung bình 11 tháng, lượng kim loại, khoáng chất quý “mắc kẹt” trong điện thoại cũ đủ để coi là một kho báu.
Cụ thể, 1 triệu chiếc điện thoại có thể mang lại 16 tấn đồng, 350kg bạc, 34kg vàng và 15kg palladium.
Tuy nhiên, việc khai thác nguồn nguyên liệu này với chi phí hợp lý và an toàn cho môi trường đang là một thách thức với đa số quốc gia.
Hiện ở Trung Quốc, điện thoại cũ ở các khu rác thải công nghệ đang được tháo gỡ bằng những cách kém an toàn, khiến đất đai, nguồn nước, không khí bị ô nhiễm.
Tại Australia, việc tái chế rác thải công nghệ yêu cầu quy trình nấu chảy ở quy mô công nghiệp, rất tốn kém và cũng không thân thiện với môi trường.