Mark Schwartz đến TP.HCM để kể câu chuyện đặc biệt của cuộc đời mình: làm thế nào người phụ trách một bộ phận “chậm chạp nhất thế giới” hoá thân thành một người tạo ra những dịch vụ thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi nhanh nhất thế giới…

Mark Schwartz. Ảnh: itrevolution.com
Mark Schwartz. Ảnh: itrevolution.com

Mark Schwartz, cựu giám đốc công nghệ của Cục Công dân và di dân Hoa Kỳ, giờ là giám đốc chiến lược doanh nghiệp của Amazon Web Services.

Ngày hội “hoá thân”

Ý tưởng của Amazon Web Service – đơn vị đang kiểm soát phần lớn “diện tích” điện toán đám mây của thế giới tổ chức ngày transfromation tại Sài Gòn là để nói về một tương lai “làm mới chính mình” của các doanh nghiệp thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ. Những câu chuyện nghe như… trong phim, giờ đã thành hiện thực. Kiểu như chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald khổng lồ vậy mà vẫn có thể tạo ra một sản phẩm mới trong vòng có vài tháng. “Tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ là để bảo đảm mình không bị lạc hậu trong một cuộc đua “tương tác với khách hàng” kiểu mới. Người tiêu dùng mới đòi hỏi ngày càng nhiều hơn, vượt quá những điều mà mô hình doanh nghiệp cũ có thể cung cấp. “Nghệ thuật của mọi thứ đều có thể” hoặc văn hoá đổi mới sáng tạo là thứ mà mỗi doanh nghiệp phải nắm giữ…” – ông Mark Schwartz chia sẻ.

Tác giả của bộ sách “Nghệ thuật xây dựng giá trị của doanh nghiệp” và “Một chỗ trên bàn: nhà lãnh đạo bằng công nghệ trong thời chuyển đổi nhanh” này chia sẻ những mô hình mà ông đang đi khắp nơi trên thế giới để giới thiệu: doanh nghiệp tần số cao.

“Tần số, đó là số lần mà chúng ta tạo ra sản phẩm / dịch vụ mới hay là sự cải tổ bên trong doanh nghiệp của mình. Các thống kê chứng minh rằng, tần số này sẽ dần tăng cao [theo nhu cầu khách hàng], trong khi các doanh nghiệp vẫn cứ loay hoay theo kiểu truyền thống. Vậy nên, thứ mà chúng ta có thể làm được, là làm tăng tần số đổi mới sáng tạo lên bằng một quá trình liên tục thử nghiệm, làm mẫu thử, làm dự án nhỏ, trước khi nhân rộng ra. Trước kia, sẽ tốn rất nhiều tiền của và chi phí để xây dựng nền tảng hạ tầng cho những ứng dụng mới, sản phẩm mới. Bây giờ, hãy quên những thứ tốn tiền đó đi, và tập trung vào thực nghiệm những ý tưởng của mình bằng tất cả những gì mà công nghệ có thể mang đến được”.

Ông kể về trường hợp của mình, khi Tổng thống Obama nói về chuyện thay đổi chính sách nhập cư vào Mỹ, và một bộ phận do ông phụ trách sẽ phải làm điều này. Nhưng… không ai muốn làm cả, vì mỗi thứ thay đổi nhỏ nhất, đều phải qua mấy chục cấp xét duyệt với đủ mọi sự phiền hà của bảo mật quốc gia… Nhưng mà, khi [cuộc sống gây] áp lực phải thay đổi, [con người] tất yếu phải thay đổi. Với vai trò là giám đốc công nghệ thông tin của Cơ quan Dịch vụ Công dân và Nhập cư Mỹ, chính Mark đã thúc đẩy chính quyền liên bang ứng dụng các phương pháp Agile và DevOps để cải tiến phần mềm, nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Hãy đi hỏi khách hàng, là họ muốn dịch vụ như thế nào, có thể cải tiến được gì không. Và hãy để áp lực thay đổi đó lên vai những người lãnh đạo, vì chỉ khi họ thấy phải cần thay đổi, thì tần số mới gia tăng…” – người đàn ông vừa học kinh doanh vừa học máy tính vừa học tâm lý học này chia sẻ trước hơn 300 doanh nghiệp và chuyên gia.

“Rủi ro chính là sự thiếu năng động”

Cách đây chừng hơn một tháng, trả lời phỏng vấn của trang InfoQ tại sự kiện công nghệ DOES London, Mark cho rằng vai trò của IT trong doanh nghiệp hiện đại đã có sự thay đổi vượt bậc. Nếu như trước kia những người làm IT phải chờ đợi đề bài cụ thể từ doanh nghiệp, và tìm cách thực hiện với chi phí rẻ nhất, nhanh nhất, thì ngày nay nhiệm vụ của IT là song hành cùng doanh nghiệp mà không cần phải chờ đợi đề bài cho trước, miễn sao giúp doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh cuối cùng.

Nguyên nhân của sự thay đổi này là do sự thay đổi thường xuyên và khó lường mà doanh nghiệp phải đối diện. Trước kia doanh nghiệp quản trị rủi ro bằng cách lên kế hoạch kỹ lưỡng, chi tiết, do những thay đổi xuất hiện một cách chừng mực, còn ngày nay “mỗi ngày chúng ta đến nơi làm việc lại có điều gì đó gây ngạc nhiên”, và tình trạng thậm chí cũng đang xảy ra với các chính phủ. Những thay đổi công nghệ liên tục khiến những khả năng mới luôn xuất hiện, và nhu cầu khách hàng ngày càng cao. Vì vậy việc dựa vào một kế hoạch duy nhất để giảm thiểu rủi ro đã không còn khả thi.

Nếu như trước đây, khi sự cố xảy ra, hoặc khi gặp phải vấn đề mới cần giải quyết, người ta mới gọi đến các chuyên gia công nghệ để đánh giá và đưa ra giải pháp. Còn ngày nay, người ta sử dụng chuyên gia công nghệ một cách liên tục, việc đánh giá trở nên thường xuyên, quyền tự quyết của của chuyên gia cũng lớn hơn. Mỗi nhóm chuyên trách kỹ thuật trở nên tự chủ và được tăng quyền, đồng nghĩa với trách nhiệm giải trình gắn liền với kết quả đạt được. Trước kia, người ta giám sát nhóm chuyên trách kỹ thuật dựa trên kế hoạch chi tiết đề ra từ trước, nhưng trong thế giới đầy biến động ngày nay người ta giám sát họ bằng các mục tiêu: cả nhóm có trách nhiệm giúp doanh nghiệp đạt được kết quả kinh doanh.

Họ theo sát những người vận hành doanh nghiệp để tạo ra thay đổi và điều động mọi thứ một cách nhanh chóng, dù chỉ là từng chút một, và tiếp nhận phản hồi một cách tức thời.

Cách làm như vậy, theo Mark, giúp giảm chi phí cho quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. “Trước một tương lai đầy biến động, bất cứ điều gì làm tăng chi phí cho sự đổi mới đều đồng nghĩa với gia tăng rủi ro… Hay nói cách khác, rủi ro chính là thiếu năng động.”