Đúng như thông tin trước đó, chính phủ Nhật thực sự đã thực thi kiểm soát xuất khẩu với các mặt hàng công nghệ cao. Một động thái trả đũa Hàn Quốc.
Hàn Quốc là nhà của Samsung, SK Hynix, những công ty sản xuất chip nhớ hàng đầu. Lệnh cấm có tác động lên họ sẽ nhanh chóng ảnh hưởng tới toàn ngành công nghiệp chip, cũng như khiến các khách hàng như Apple, Huawei, Sony, phải lo lắng. Kể từ ngày 4/7 tới, các hãng cung ứng Nhật phải xin cấp giấy phép nếu muốn xuất khẩu vật liệu và hóa chất tới Hàn Quốc. Thời gian hoàn tất thủ tục có thể mất đến ba tháng, và lượng dự trữ của các hãng Hàn Quốc có thể không đủ duy trì cho tới khi đó.
Một nguồn tin từ SK Hynix cho Nikkei biết, họ không có đủ lượng vật phẩm tồn kho cần thiết. Nếu không đảm bảo đủ cho đến khi nhận được hàng, có thể công ty phải tạm ngừng dây chuyền sản xuất. Thiệt hại sẽ là khôn lường! Phía Samsung chỉ nói rằng công ty đang đánh giá tình hình mà không cho biết gì thêm. Với mức thị phần gộp 70%, các công ty Hàn Quốc thống trị thị trường bộ nhớ DRAM. Ngoài ra, còn có 50% thị trường chip nhớ NAND flash toàn cầu.
Cuộc chiến giữa Hàn Quốc và Nhật Bản chính thức bùng nổ hôm thứ Hai vừa qua
Các con chip này xuất hiện bên trong iPhone của Apple, điện thoại Huawei, máy tính của HP, Dell, Lenovo, TV từ Sony, Panasonic. Tác động dây chuyền sẽ ảnh hưởng tới toàn ngành, như hiệu ứng domino. Nếu các hãng này không đảm bảo đủ nguồn cung chip nhớ, có thể trì hoãn kế hoạch phát hành sản phẩm mới. Điều này gián tiếp gây ảnh hưởng tới các nhà cung ứng khác trong chuỗi cung ứng.
Các công ty Nhật Bản "vô danh" thực chất lại dẫn đầu thế giới trong việc cung cấp các vật liệu, hóa chất thuộc diện hạn chế xuất khẩu. Nhựa Pi (polyimide) dùng để bảo vệ các lớp thành phần của tấm nền OLED khỏi khí oxy và hơi ẩm. Chất cản quang (resist) dùng để in mẫu lên phiến silicon, khí ăn mòn HF để thực hiện quá trình quang khắc khi sản xuất chip. Các "ông trùm" ẩn danh này bao gồm JSR, Showa Denko, Shin-Etsu Chemical.
Không chỉ vậy, với việc loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách ưu tiên xuất khẩu (gồm Mỹ, Đức, Anh, Pháp và hơn 20 quốc gia khác), Nhật khiến quá trình cấp phép trở thành rào cản như đã nói ở trên. Từ trước đến nay, chưa có nước nào bị gạch tên và Hàn Quốc là lần đầu tiên. Điều này biểu hiện sự tức giận của người Nhật ở một mức độ rất nghiêm trọng.
Hàn Quốc sẽ phải tìm kiếm nguồn cung khác để duy trì sản xuất, nhưng đó là một nhiệm vụ khó khăn
Phía Hàn Quốc chuẩn bị trả đũa Nhật bằng cách khiếu nại lên WTO. Đồng thời, chính phủ sẽ hỗ trợ hết mức cho các doanh nghiệp Hàn Quốc bị ảnh hưởng. Một số chuyên gia lại cho rằng nó có thể không hiệu quả, Nhật Bản có quyền tự quyết và trường hợp của họ không vi phạm các quy tắc.
Trong khi các công ty Nhât dường như "trở tay không kịp" với lệnh ban hành. Một quan chức tại Tokyo Ohka Kogyo nói rằng: "Chúng tôi ngạc nhiên khi một chính sách như thế được ban hành quá dễ dàng". Họ không được hỏi ý kiến trước và đang lo lắng, khi 1/5 doanh thu phụ thuộc vào việc xuất khẩu chất cản quang tới Hàn Quốc và Đài Loan. Mitsubishi Chemical cũng bị bất ngờ và hy vọng chính phủ cân nhắc kỹ hậu quả. Họ xuất khẩu cả chất cản quang và khí HF, được dùng trong tiến trình quang khắc bán dẫn.
Akira Minamikawa, chuyên gia đến từ IHS Markit cho biết việc này sẽ gây gián đoạn sản xuất tại Hàn Quốc. Samsung hay SK Hynix có thể tìm đến nguồn cung khác, nhưng rất khó đảm bảo thay thế được Nhật Bản cả về chất lượng lẫn sản lượng. Đặc biệt khi sản phẩm của bán dẫn là các con chip công nghệ cao, cần đảm bảo chất lượng đạt chuẩn.