Trung Quốc đang tích cực áp dụng các chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và các nhân tài đang hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Đài Loan.
Cơ hội nghề nghiệp và mức lương cao hơn đang là những yếu tố chính lôi kéo các kỹ sư lành nghề chuyển từ Đài Loan về Trung Quốc đại lục để làm việc.
Giống như hàng trăm ngàn công nhân công nghệ tại Đài Loan, James Chen từng tin rằng mình sẽ dành toàn bộ sự nghiệp của mình tại Công viên khoa học Hsinchu, một trong những trung tâm quan trọng nhất thế giới về sản xuất chất bán dẫn và là nơi đặt trụ sở của hơn 400 công ty bán dẫn tại Đài Loan.
Nhưng giờ đây đã là năm thứ 6, Chen đang làm việc cho một công ty Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông. Anh thậm chí cho biết chưa có kế hoạch quay trở lại hòn đảo này nữa mặc cho cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trước đây anh là một kỹ sư kỳ cựu từng làm việc cho các nhà sản xuất chip hàng đầu Đài Loan. Còn hiện tại anh đang phụ trách một nhóm phát triển chip cho công ty anh đang đầu quân ở đại lục. Anh khẳng định quyết định không quay trở lại đảo Đài Loan không khó với anh.
Chen cho biết: "Ở đại lục, tôi có một nơi lớn hơn để phát triển sự nghiệp và mọi thứ cũng đầy hứa hẹn hơn. Tại Đài Loan, thị trường gần như bị các công ty lớn chiếm dụng hết nên cơ hội phát triển sự nghiệp tương đối nhỏ".
Không có con số chính thức nào về việc có bao nhiêu người Đài Loan đang làm việc tại các công ty công nghệ ở Trung Quốc đại lục. Nhưng một thống kê gần đây cho thấy, khoảng 9% dân số trên đảo, tương đương 2 triệu người người bao gồm các doanh nhân, quản lý, sinh viên và gia đình Đài Loan đang sống ở đại lục.
Hiện tượng di cư từ Đài Loan về đại lục không phải là mới nhưng theo các nhà quan sát, xu hướng này đang ngày càng rõ rệt hơn trong vài năm qua. Bắc Kinh đang tăng cường mọi nỗ lực nhằm thu hút những người có tay nghề như Chen về đại lục làm việc. Mục đích nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào các công ty bán dẫn nước ngoài.
Nhiều hãng sản xuất bán dẫn Đài Loan như MediaTek, VIA Technologies, Realtek hay TSMC đều đã mở các nhà máy hoặc liên doanh tại đại lục trong nhiều thập kỷ qua. Đây là cơ hội để cử nguồn nhân lực chất lượng tới Trung Quốc nhanh nhất.
Sự tiến bộ của ngành công nghiệp chip Trung Quốc trong vài năm trở lại đây có sự đóng góp không hề nhỏ của các công ty và nguồn nhân lực Đài Loan. Mặc dù vậy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên vẫn chưa có chiều sâu do Đài Loan vẫn đang là vùng lãnh thổ tự trị và chưa chịu sáp nhập với Trung Quốc.
Tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách lớn về năng lực sản xuất chip giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Nếu như TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu Đài Loan dự kiến sẽ sớm phát hành chip 5nm ra thị trường vào năm tới thì Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc vẫn chưa thể sản xuất hàng loạt dòng chip 14nm.
Giới chuyên môn cho rằng, các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ phải mất ít nhất 2 thập kỷ tới để bắt kịp các hãng sản xuất chip thế giới.
Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu số lượng chất bán dẫn trị giá lên tới 260 tỷ USD, nhiều hơn cả lượng nhập khẩu dầu thô của nước này. Trong đó, sản lượng do Hiệp hội công nghiệp bán dẫn nước này tạo chỉ chiếm chưa đến 20% nhu cầu sử dụng trong nước.
Một quan sát viên cho biết, nhân tài là yếu tố mấu chốt để phát triển một ngành công nghiệp chip hùng mạnh và Trung Quốc đang thiếu điều này. Nhưng lý do Trung Quốc tuyển dụng nhiều nhân tài Đài Loan hơn các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản là vì người Đài Loan nói cùng một thứ tiếng và chung nền văn hóa với Trung Quốc đại lục.
Các kỹ sư Đài Loan đang có nhiều cơ hội ở đại lục hơn bao giờ hết
Được biết các công ty Trung Quốc đại lục đã nỗ lực thu hút nguồn lao động chất lượng từ Đài Loan sau khi Bắc Kinh khởi động sáng kiến Made in China 2025 vào năm 2015. Đây là một chiến lược quy mô lớn nhằm giúp Trung Quốc sớm vượt qua Mỹ và các cường quốc phương Tây trong các lĩnh vực công nghệ cao cấp, bao gồm cả bán dẫn.
Tận dụng thời cơ này, rất nhiều nhân tài công nghệ tại Đài Loan đã chuyển về đại lục làm việc. Đơn giản bởi họ có nhiều cơ hội và mức lương cao hơn. Theo một khảo sát hồi năm ngoái của công ty Đài Loan 104 Job Bank, mức lương trung bình hàng năm của một quản lý tầm trung trong nghành chip Đài Loan là khoảng 64,5 ngàn USD. Nhưng nếu ở Trung Quốc, mức lương sẽ lên tới 145,2 ngàn USD.
Đó cũng là một phần lý do mà Peter Huang, một người từng làm việc tại hãng sản xuất chip hàng đầu Đài Loan quyết định chấp nhận lời đề nghị về làm việc cho một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh hồi năm 2017.
Huang chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng tôi đã nhìn thấy tương lai của mình vì nếu Trung Quốc đại lục muốn tự chủ việc sản xuất chip, nơi đây sẽ có nhiều cơ hội tốt cho những người như tôi".
Nhưng Huang cho biết, lương không hẳn là lý do anh đến Bắc Kinh. Anh cho biết: "Thực sự không phải vì tiền mà tôi đến đây. Tôi muốn đến đại lục vì tôi tin rằng nơi đây có nhiều cơ hội hơn và gặp nhiều người giúp tôi cải thiện năng lực và mở rộng tầm nhìn của bản thân. Ngay cả khi môi trường sống có chút ô nhiễm hay kiểm duyệt Internet nhưng tôi vẫn muốn trải nghiệm cuộc sống ở đây".
Theo một chuyên gia trong ngành, số tiền mà một kỹ sư công nghệ có thể kiếm được ở đại lục trong vòng 3 năm có thể tương đương với số tiền mà họ phải vất vả kiếm được trong 8 năm tại Đài Loan.
Đối với Chen, công việc mà anh đang làm hiện tại khó có thể dứt ra vì những đãi ngộ quá tốt. Anh luôn có thời gian bay về Đài Loan để gặp gỡ đội ngũ thiết kế chip của mình và gia đình mỗi tháng. Người chủ của anh tại đại lục cũng đang tính sẽ cổ phần hóa và cho anh một số cổ phần nhất định.
Tuy nhiên theo cả Huang và Chen, số lượng nhân tài công nghệ đang làm cho các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn còn khá ít ỏi. Nhưng trong tương lai không xa, số lượng này sẽ tăng lên vì đang có rất nhiều kỹ sư Đài Loan quan tâm tới cơ hội phát triển sự nghiệp tại đại lục.