Nguyên lý ném-quên giúp quả bom tự định vị đến mục tiêu mà không cần sự chỉ thị từ máy bay, qua đó tăng khả năng trở về an toàn cho phi công và máy bay ném bom.

Mẫu thử nghiệm bom KAB-250 (Ảnh: Nikolai Novichkov)

Báo chí Nga đưa tin quân đội nước này sắp hoàn thành quá trình thử nghiệm bom thông minh KAB-250 thế hệ mới - phiên bản nhỏ hơn của bom KAB-500 PGM đang được Nga sử dụng ở Syria.

Quả bom dài 3,2m, nặng 256 kg có thể thả từng quả một hoặc theo chùm. KAB-250 có 2 phiên bản: Định vị bằng la-ze hoặc bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS. Trong đó phiên bản định vị bằng GPS "thông minh" hơn hẳn.

Cụ thể, phiên bản GPS được thiết kế theo nguyên lý ném-quên hết sức tiên tiến. Sau khi được thả từ máy bay, quả bom rơi tự do cho tới khoảng cách từ 2 đến 3 km tới mục tiêu. Sau đó hệ thống máy tính trên quả bom sẽ kích hoạt hệ thống định vị.

Bộ phần định vị này, bao gồm cả một hệ thống quang học ở phần đầu quả bom, sẽ liên tục chụp hình ảnh địa hình bên dưới, so sánh với ảnh vệ tinh chụp mục tiêu được nạp vào máy tính trên quả bom trước khi bị bắn, từ đó nó nhận diện và tấn công chính xác mục tiêu theo yêu cầu. Sai số của quả bom chỉ không quá 3m, đúng bằng với sai số của hệ thống GPS.

Hệ thống định vị này sẽ tăng đáng kể khả năng trở về an toàncủa chiếc máy bay thực hiện phi vụ ném bom. Để so sánh, nếu quả bom được định vị bằng la-ze, máy bay ném bom sẽ phải tiếp tục chiếu chùm tia la-ze từ thời điểm ném cho đến khi quả bom đánh trúng mục tiêu, do đónguy cơ máy bay bị phát hiện và tiêu diệt là khá cao.

Trong khi đó với hệ thống ném-quên, phi công chỉ cần thả bom tại một khoảng cách nhất định so với mục tiêu rồi "cao chạy xa bay". Phần còn lại hoàn toàn do máy tính trên quả bom quyết định.