Bài viết trên Forbes vào ngày 9/3 vừa qua viết rằng câu chuyện thành công của Startup xe điện Modmo là minh chứng cho tiềm năng của Việt Nam trên con đường trở thành một trung tâm sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Công ty này vừa phân phối đợt sản phẩm đầu tiên với trên 100 chiếc xe đạp, trong đó có một mẫu xe mang tên Sài Gòn +, theo tên thành phố nơi họ đặt trụ sở chính, và một mẫu khác đơn giản hơn mang tên Sài Gòn S. Ảnh: Modmo

Jack O’Sullivan, 24 tuổi, người Ireland, sáng lập Modmo với tham vọng tạo ra chiếc xe đạp điện tốt nhất thế giới, mà theo lời anh, có thể thay thế ô tô. Công ty này vừa phân phối hơn 100 chiếc xe đạp trong đợt đầu, trong đó có một mẫu xe mang tên Sài Gòn +, theo tên thành phố nơi họ đặt trụ sở chính, và một mẫu khác đơn giản hơn mang tên Sài Gòn S.

Câu chuyện của O’Sullivan bắt đầu từ chuyến đi đến Trung Quốc vào năm 2018 để tìm một nhà máy đối tác tiềm năng, có thể sản xuất chiếc xe đạp điện mà anh vẫn ấp ủ lâu nay. Vì không tìm thấy bất cứ một phương án nào phù hợp, nên khi một người đề nghị anh thử xem xét các nhà máy ở Việt Nam, anh đã đặt một chuyến đi hai ngày. Điểm dừng chân ngoài dự định đó cuối cùng mở ra một hành trình dài về sau.

“Thật sự sững sờ”, đó là điều mà anh mô tả về xưởng sản xuất xe máy ở ngoại ô TPHCM, nhất là khi so với những cơ sở anh từng đến ở Trung Quốc. “Mọi thứ ở đây có tổ chức, chính xác, và tất cả các công đoạn hàn đều được thực hiện bởi robot.”

Tuy nhiên, không phải tất cả quá trình lắp Saigon+ đều được tự động hóa, và đó là lý do mà O’Sullivan cho rằng Việt Nam đang có một loại hình sản xuất đặc biệt, kết hợp các phương tiện tiên tiến nhưng đồng thời vẫn có những người thợ lành nghề, giá nhân công thấp, để làm các công việc đòi hỏi nhiều thời gian. Một ví dụ điển hình là dù bộ khung xe đạp Modmo có thể được hàn bằng robot, nhưng nó vẫn đòi hỏi người thợ phải chà nhám thủ công khoảng 17 tiếng đồng hồ để cho ra thành phẩm hoàn thiện, không lộ mối hàn.

Jack O'Sullivan, người sáng lập Modmo (giữa), kiểm tra khung xe ở cơ sở sản xuất ngoại ô TPHCM. Ảnh: Modmo

Nguồn nhân lực tay nghề cao, sẵn có tại Việt Nam là một yếu tố khác khiến O’Sullivan quyết định thành lập cửa hàng tại đây. Một trong những người đầu tiên anh tuyển dụng là một kỹ sư địa phương, người chưa từng thiết kế xe đạp điện trước đây. Tuy nhiên, anh cho rằng con người nơi đây vô cùng cởi mở, nhiệt tình, chăm chỉ - và đó chính là yếu tố then chốt giúp công ty có được vị trí như hiện nay.

“Người dân [Việt Nam] không có xu hướng coi rào cản ngôn ngữ là một trở ngại quá lớn”, anh nhận xét. “Họ có một tài năng tiềm ẩn. Tôi chắc rằng một phần trong số những người làm việc ở đây có thể đầu quân cho Apple, chỉ là họ không thể thực sự truyền đạt những ý tưởng mà họ có”. Theo O’Sullivan, bí quyết ở đây là tìm cách kết nối những ý tưởng đó lại, nó có thể dẫn đến những đột phá lớn trong thiết kế.

Nhiều bước đột phá trong số đó thể hiện rõ trên mẫu xe Saigon+ và 47 linh kiện để sản xuất ra mỗi chiếc xe (không phải linh kiện nào cũng đều được sản xuất tại Việt Nam, nhưng mục tiêu của họ là biến điều đó thành sự thực trong tương lai gần). Ở vị trí trung tâm của chiếc Saigon+ là một bộ pin có thể tháo rời, được đặt trong khung hình oval, giúp chiếc xe có thể chạy quãng đường 200km sau mỗi lần sạc. Nó cung cấp năng lượng cho một động cơ 250kW có năm mức công suất. Tốc độ, mức pin và quãng đường đã đi được đều hiển thị trên màn hình ở ghi-đông xe, và bạn có thể duy trì kết nối qua GPS, Bluetooth và 4G. Ngoài ra người dùng còn có thể lắp thêm ghế trẻ em, giỏ và sọt đựng.

Với một công ty mà 2 năm trước còn là căn hộ một phòng ngủ như vậy, mọi thứ đang dần khả quan hơn. Ngồi trong văn phòng của mình, O’Sullivan đang xem xét các thủ tục giấy tờ cho vòng gọi vốn vừa qua. “Doanh số thực sự ấn tượng. Mọi người rõ ràng rất hào hứng với những chiếc xe, vì vậy chúng tôi đang hướng đến bán được số lượng gấp 5 lần so với năm ngoái.”

Nguồn: