Mỹ thúc giục Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - đặt nhà máy tại nước này, nhưng TSMC không muốn rời xa các thế mạnh đã gây dựng ở Đài Loan.
TSMC vốn thành công nhờ phục vụ khách hàng ở tất cả các thị trường, và nhờ một cụm cơ sở nghiên cứu và phát triển gắn liền với sản xuất, tất cả đều đang tập trung ở đảo Đài Loan.
Được mệnh danh là "cha đỡ đầu của ngành công nghiệp chip" ở Đài Loan, Morris Chang thành lập TSMC cách đây 35 năm với nguồn vốn khởi nghiệp từ Đài Loan và công nghệ được cấp phép từ công ty bán dẫn Hà Lan Philips. Giờ đây, TSMC đã phát triển thành gã khổng lồ chi phối chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
TSMC hiện dẫn đầu thế giới về tiến trình chip 2nm. Ảnh: TSMC.
Khác với các công ty cùng ngành như Intel và Samsung, những công ty vẫn tiếp tục thiết kế và sản xuất chip, TSMC chỉ là nhà sản xuất chip do các công ty khác thiết kế. Khó khăn về kỹ thuật và chi phí cơ sở hạ tầng tăng cao, khiến cho ngày càng nhiều công ty cắt bỏ công đoạn sản xuất và tìm đến dịch vụ gia công của TSMC.
Đài Loan hiện chiếm 92% công suất chế tạo các loại chip cao cấp nhất. Thị phần của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip toàn cầu đã giảm từ 37% vào năm 1990 xuống còn 12% vào năm 2020. Các nhà phân tích của Credit Suisse ước tính, nếu thế giới mất nguồn cung từ các nhà máy chip ở đảo Đài Loan, việc sản xuất mọi thứ từ máy tính đến ô tô sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.
TSMC tập trung phần lớn năng lực nghiên cứu và sản xuất trong một cụm cơ sở ở Đài Loan. Một kỹ sư nghiên cứu có thể đến cơ sở sản xuất chỉ cách phòng lab một giờ đi xe. “Cách vận hành này mang lại mối liên hệ chặt chẽ giữa R&D và sản xuất. Tích hợp tính chuyên môn trong quy trình sản xuất là một phần thành công của TSMC", Peter Hanbury, chuyên gia về chuỗi cung ứng công nghệ và bán dẫn tại công ty tư vấn Bain, cho biết.
Nhân viên TSMC vận hành máy sản xuất chip bán dẫn. Ảnh: TSMC.
Chris Miller, nhà sử học kinh tế tại Đại học Tufts, đánh giá, việc cải thiện năng suất, giảm tỷ lệ bóng bán dẫn không bị lỗi trên dây chuyền sản xuất, là sức mạnh cốt lõi giúp tăng cả lợi nhuận và độ tin cậy của TSMC đối với khách hàng.
Các dịch vụ gia công của TSMC đã sinh ra một loạt các công ty chip “không sản xuất” hoàn toàn mới, chẳng hạn như Nvidia, công ty thiết kế chip đồ họa được thành lập vào năm 1993. Một khách hàng quan trọng khác của TSMC là AMD, đối thủ của Intel trên thị trường chip máy tính. Năm 2008, AMD đã bán toàn bộ thiết bị sản xuất và hiện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào TSMC. Chiến lược này góp phần đưa AMD trở lại trong cuộc cạnh tranh với Intel.
Bước nhảy vọt tiếp theo là khi Apple bắt đầu thiết kế chip cho iPhone và chọn TSMC làm nhà sản xuất. Các dòng chip của Apple hiện được sản xuất độc quyền bởi TSMC.
“Apple và AMD phụ thuộc hoàn toàn vào một nhà cung cấp và chấp nhận rằng toàn bộ công ty của họ sẽ phải đóng cửa nếu TSMC bị đóng cửa", Dan Nystedt, phó chủ tịch của TriOrient, một công ty đầu tư tư nhân có trụ sở tại châu Á, cho biết. Quyết định bỏ tất cả trứng vào một giỏ của một số công ty phản ánh tính hiệu quả của hệ thống mà TSMC đã xây dựng. "Nhiều công ty không bao giờ nghĩ đến việc chuyển sản xuất ra khỏi TSMC vì mô hình kinh doanh đang hoạt động quá tốt", Miller nói.
TSMC sản xuất toàn bộ chip mà Apple sử dụng.Ảnh: Macworld.
Giảm phụ thuộc
Mỹ từ lâu đã lo ngại rằng sự phụ thuộc vào TSMC có thể khiến nguồn cung chip cho các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp quốc phòng, gặp rủi ro. Năm ngoái, Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành của Google và là người chủ trì một ủy ban của Mỹ về trí tuệ nhân tạo, cho biết Mỹ "đang dần tiến đến chỗ đánh mất lợi thế về vi điện tử cung cấp cho các công ty và quân đội, bởi sự phụ thuộc vào Đài Loan”.
Vì thế, Mỹ muốn TSMC đặt cơ sở sản xuất tại Mỹ, đồng thời hồi sinh ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước. "Tương lai của ngành công nghiệp chip là chip được tạo ra ở Mỹ", Tổng thống Joe Biden nói trong buổi khởi công nhà máy sản xuất chip trị giá 20 tỷ USD mà Intel sẽ xây dựng ở Ohio, một tháng sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cung cấp 52 tỷ USD để xây dựng lại ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Năm 2019, khi chính quyền Trump gây áp lực để TSMC phải đặt một số quy trình sản xuất ở Mỹ, công ty này đã tuân thủ. Hiện họ đang xây dựng một nhà máy ở Arizona, dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2024. Nhưng nhà máy này không có được quy mô cũng như trình độ công nghệ của các cơ sở sản xuất hiện đại nhất của TSMC.
Bên trong một nhà máy của TSMC ở Đài Loan. Ảnh: TSMC.
"Sự phụ thuộc vào TSMC trong việc cung ứng các chip tiên tiến nhất sẽ không giảm, cho đến khi TSMC, Samsung và Intel đều đặt các cơ sở sản xuất tiên tiến và có quy mô ở Mỹ", Paul Triolo, chuyên gia về công nghệ tại Albright Stone Group, cho biết.
Nhưng ngay cả khi đó, chỉ một số phần của chuỗi cung ứng được hưởng lợi. Bởi vì các quy trình sản xuất mà Intel, TSMC và Samsung đang xây dựng ở Mỹ đều dành cho chip tiên tiến, chủ yếu hỗ trợ ngành công nghiệp máy tính, điện thoại thông minh và máy chủ. Trong khi các ngành công nghiệp khác như ô tô, đang bị gián đoạn sản xuất do tắc nghẽn nguồn cung chip, sử dụng các loại chip kém tiên tiến hơn và khó sản xuất một cách có lợi nhuận trong môi trường chi phí đắt đỏ của Mỹ, theo Hanbury.
Thế khó của TSMC
"Các vấn đề địa chính trị đã có từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy những căng thẳng này ảnh hưởng đến hoạt động của TSMC ở thời điểm hiện tại", TSMC cho biết. Công ty cũng cho biết họ vẫn giữ kế hoạch hoạt động như hiện tại ở đảo Đài Loan.
Tuy nhiên, về dài hạn các công ty và quốc gia sẽ tìm cách giảm phụ thuộc vào TSMC.
Khách hàng của TSMC đã tỏ ra lo ngại từ 2 năm trước, Sebastian Hou, giám đốc điều hành tại Neuberger Berman, một công ty quản lý đầu tư, cho biết.
Vào tháng 8, Qualcomm cho biết đã tăng hơn gấp đôi đơn đặt hàng sản xuất cho GlobalFoundries, đối thủ của TSMC. Qualcomm còn nói rõ đang hợp tác sản xuất chiến lược với công ty này. Nvidia cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn sản xuất, chip trung tâm dữ liệu được sản xuất tại TSMC và một số chip đồ họa chơi game được chuyển cho Samsung. Hanbury cho biết sẽ mất nhiều năm để xem liệu phần lớn khách hàng của TSMC có đi theo các chiếc lược tương tự hay không, vì thay đổi đối tác sản xuất là khó khăn và rủi ro.
“Câu hỏi lớn là liệu Apple có chuyển hướng sản xuất chip ra khỏi TSMC hay không”, Hanbury nói thêm.
Nguy cơ này sẽ càng tăng nếu các đối thủ của TSMC mở rộng quy mô sản xuất ở Mỹ một cách suôn sẻ. Cả Intel và Samsung đều đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất chip lớn hơn nhiều so với cơ sở tại Arizona của TSMC.
Các chuyên gia trong ngành tin rằng TSMC cũng cần mở rộng độ phủ các cơ sở sản xuất ra ngoài đảo Đài Loan, vì những lý do ngoài địa chính trị. Công ty này đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng hàng nghìn kỹ sư cho các bộ phận nghiên cứu và sản xuất ngày càng lớn. Một câu hỏi khác là liệu đảo Đài Loan có thể cung cấp đủ nước và năng lượng để tiếp tục mở rộng sản xuất chip hay không.
Nguồn: