Được coi là “cứ điểm sản xuất chiến lược của Samsung”, Việt Nam hiện còn đang được đầu tư để trở thành cứ điểm R&D chiến lược của tập đoàn này.

Trong đó, phải kể đến trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á đang dần thành hình tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội, được đầu tư 220 triệu USD.


Trung tâm R&D mới của Samsung - được hoàn thành vào cuối năm 2022 - là tòa nhà 16 tầng nổi và 3 tầng hầm. Ảnh đồ họa: Samsung Việt Nam

“Việc triển khai xây dựng trung tâm R&D mới là một dấu mốc chiến lược trong lịch sử đầu tư của Samsung tại Việt Nam,” ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết tại thời điểm khởi công Trung tâm vào đầu năm ngoái. “Đây cũng là nơi chúng tôi hiện thực hóa cam kết đóng góp vào sự phát triển của nền khoa học-kỹ thuật của Việt Nam thông qua việc đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao”.

Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2022, Samsung sẽ chuyển toàn bộ nhân lực và thiết bị của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC) hiện tại sang trung tâm mới và mở rộng quy mô nhân lực lên đến 3.000 người. Ngoài các nghiên cứu về sản phẩm như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay…, Trung tâm còn được kỳ vọng sẽ nghiên cứu các công nghệ mới trong tương lai.

Trong khi đó, ở TPHCM, Trung tâm SHRC (Samsung HCM R&D Center) của Công ty Samsung HCMC CE Complex (SEHC) được thành lập từ tháng 7/2017 với vai trò chính là nơi nghiên cứu các sản phẩm như TV/màn hình TV, máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi. Sau này, cùng với việc mở rộng sang nghiên cứu phần mềm, tự động hóa, đảm bảo chất lượng(QA), khuôn mẫu…, nhân lực nghiên cứu các sản phẩm điện gia dụng và phần mềm của SHRC cũng không ngừng gia tăng. Dự tính, đến cuối năm nay, Trung tâm sẽ có 500 kỹ sư.

Tại Bắc Ninh, công ty Samsung SDS cũng đang vận hành một trung tâm nghiên cứu và phát triển được gọi là SDS R&D Vietnam hay SDSRV với trọng tâm nghiên cứu đặt vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu. Công ty SDS cũng có nhiều dự án hợp tác chiến lược với một trong những tập đoàn công nghệ tiêu biểu của Việt Nam là Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC.

SDSRV tập trung phân tích dữ liệu và Deep Learning với nền tảng ứng dụng công nghệ AI nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm/ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây cũng là nơi đóng góp đáng kể vào việc chuyển biến từ mô hình nhà máy thông minh sang nhà máy AI của Samsung cũng như các pháp nhân liên quan tại Việt Nam.

Bên cạnh R&D, Samsung Việt Nam còn chú trọng đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Trong đó, SDV (Samsung Display Vietnam) – pháp nhân đầu tư vào Việt Nam khoảng 7 tỷ USD – đã liên kết với các trường đại học đào tạo nguồn kỹ sư nghiên cứu liên quan đến công nghệ tiên tiến về màn hình từ năm 2018. Đến nay, đã có gần 400 kỹ sư xuất sắc của SDV được cử đi đào tạo các chuyên ngành như robot, big data, AI, lập trình tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông...

Cũng từ năm 2018, SDV đã triển khai chương trình thực tập từ 8-10 tuần dành cho sinh viên xuất sắc khối ngành công nghệ. Đặc biệt, từ tháng 2 năm nay, Công ty đã xây dựng và đưa vào hoạt động chương trình thực tập ở lĩnh vực AI. Được biết, đây là chương trình thực tập có hưởng lương và ưu tiên sinh viên năm cuối các chuyên ngành Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử - Viễn thông. Các thực tập sinh sẽ được đào tạo về AI (toán/xử lý ảnh/lập trình/AI trong công nghiệp) và có cơ hội tham gia các dự án nhỏ về AI tại Công ty.