Sau hơn một năm ra mắt, startup y tế BuyMed sở hữu trang thương mại điện tử Thuocsi đã liên kết với hơn 5.000 nhà thuốc và 200 công ty dược phẩm, nhà phân phối thuốc tại Việt Nam. BuyMed đặt mục tiêu góp phần đơn giản, minh bạch hóa chuỗi phân phối ngành dược tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Sự cồng kềnh của ngành phân phối dược phẩm
“Một hộp thuốc để đi từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng thường qua 4-5 nhà phân phối, khiến giá bị đội lên từ 20-40%”, Hoàng Nguyễn, đồng sáng lập của BuyMed bắt đầu câu chuyện với Khoa học & phát triển về thực trạng anh nhìn thấy trong ngành được phẩm. Đây chính là lý do anh bắt tay xây dựng Thuocsi. Với khoảng 30.000 hiệu thuốc lớn nhỏ trên cả khắp cả nước, có nhiều nhà thuốc cách xa thành phố tới vài trăm cây số, việc mua được thuốc đủ cung cấp cho người dân không phải chuyện dễ dàng. Thông thường, mỗi nhà thuốc phân phối khoảng 1000 loại thuốc và sản phẩm y tế. Trong khi đó, mỗi nhà sản xuất hay phân phối lại chỉ cung cấp 100-200 loại nên để nhập đủ hàng, họ thường phải làm việc tới 5-10 bên. Quá trình ấy có khi mất cả ngày, từ việc tìm kiếm, lên đơn, kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, nhập hàng. Trong khi đó, không phải nhà sản xuất nào cũng xây dựng được mạng lưới trình dược viên phân phối tới 63 tỉnh thành. Do vậy, không phải cứ có tiền là mua được thuốc theo yêu cầu của người mua.
“Thuocsi ra đời để giải quyết việc nhà thuốc dù ở đâu cũng có thể đặt hàng với bất kỳ số lượng nào với giá tốt nhất” – Hoàng Nguyễn nói về lý do anh bắt tay với Vương Vũ và Peter Nguyễn.
Gian hàng điện tử trong lĩnh vực dược phẩm
Để làm được điều này, Thuocsi đóng vai trò trung gian, xây dựng kho hàng tổng, làm việc với nhà thuốc và nhà sản xuất/đơn vị phân phối. “Điều này khiến chúng tôi kiểm soát được chất lượng, giá cả và cả thời gian vận chuyển như mình đã cam kết với hai bên đối tác thay vì phụ thuộc vào bên thứ ba” – Hoàng Nguyễn nói.
Với 5.000 nhà thuốc và 200 nhà sản xuất, đơn vị phân phối trong hệ thống, Thuocsi cung cấp trên 7.000 sản phẩm từ thuốc đến thực phẩm chức năng, sản phẩm y tế. nhà thuốc và đơn vị phân phối đều có tính năng riêng. Phía nhà thuốc có thể theo dõi giá sản phẩm, đặt được nhiều loại hàng với bất kỳ số lượng nào, tích lũy điểm hưởng chiết khấu, quản lý được tình trạng đơn hàng từ khi chốt đơn đến khi giao nhận. Đặc biệt, hệ thống theo dõi giá thành trực tiếp cho phép khách hàng nắm được biến động giá của dược phẩm và thực phẩm chức năng trên thị trường hằng ngày để lên kế hoạch nhập hàng hợp lý, từ đó cung cấp dược phẩm giá phải chăng hơn cho bệnh nhân.
Đồng thời, phía nhà sản xuất/đơn vị phân phối thay vì cần có nhiều trình dược viên tư vấn từng nhà thuốc, giờ đây chỉ cần một vài người ngồi chốt đơn hàng, phân phối sản phẩm đến 63 tỉnh thành. Hệ thống theo dõi đơn hàng giúp cả hai bên cùng theo dõi được quá trình vận chuyển, trong đó Thuocsi nhận hàng về kho, đóng gói và vận chuyển tới cho nhà thuốc.
“Khi một nhà thuốc mua đơn hàng khoảng 500.000 đồng thì tiền vận chuyển về tỉnh có thể mất tới 50.000 đồng. Ở Thuocsi, họ có thể mua 10 đơn ở 10 đơn vị cung cấp khác nhau và tổng giá trị đơn hàng là 5 triệu. Khi ấy, bài toán vận chuyển trở nên dễ dàng hơn và nhà thuốc dù ở đâu cũng được giao hàng với giá tốt nhất. Việc không phải qua nhiều nhà phân phối mà kết nối trực tiếp với Thuocsi giúp nhà thuốc tiết kiệm từ 5-20% chi phí nhập – Nguyễn Hoàng giải thích hiệu quả của Thuocsi.
Thực tế, Hoàng Nguyễn cũng thừa nhận, ở giai đoạn đầu điểm khác biệt của Thuocsi không nằm ở công nghệ mà ở mô hình kinh doanh: Bên cạnh việc cung cấp một hệ thống đặt hàng, Thuocsi cũng tự xây dựng hệ thống logistics giao nhận thuốc tới 63 tỉnh thành trên cả nước như cách mà Tiki Now đang làm để đảm bảo thời gian cũng như chất lượng. Với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ Tiki, Thuocsi đặt mục tiêu năm 2020, giao nội thành trong 24 giờ, và các tỉnh xa là 48 giờ.
Người đồng sáng lập khẳng định: “Tiện ích mang lại cho các đối tác là sức mạnh để Thuocsi cạnh tranh với phương thức phân phối truyền thống của ngành dược”.
Định hướng dữ liệu lĩnh vực y tế
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng logistics như kho, xe vận chuyển, nhân viên giao nhận… Thuocsi còn xây dựng hệ thống QR code của riêng mình. Mỗi sản phẩm khi nhập kho sẽ được dán mã code. Nhờ vậy, các bên dễ dàng kiểm soát thuốc đang nằm ở đâu, thuộc hệ thống nào, tiêu thụ nhiều hay ít vào những thời điểm nào... Điều tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng lại là nguồn dữ liệu quý giá để BuyMed tiến hành phân tích và đưa ra các thông tin quan trọng trong việc dự báo về dịch bệch, nhu cầu sử dụng thuốc theo mùa của người dân… Đơn cử, nếu trong một tuần tại huyện A, lượng tiêu thụ thuốc cúm đột ngột tăng cao, thì ngay lập tức, hệ thống phân sẽ có cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh trong khu vực và vùng lận cận. Điều này giúp nhà sản xuất điều phối thuốc hợp lý, tránh tình trạng khan hiếm. “Tất nhiên để có những phân tích sâu hơn và mang lại khuyến cáo quan trọng hơn chúng tôi cần tới nguồn dữ liệu lớn và khi đó, công nghệ sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều so với thời điểm hiện tại”. Hoàng Nguyễn nói.
Sau Việt Nam, hai thị trường BuyMed nhắm đến là Thái Lan và Indonesia – nơi mà vấn đề ngành dược cũng không khác Việt Nam là mấy. “Dược phẩm là ngành đặc thù nên sản phẩm hay kinh nghiệm ở Việt Nam chỉ có một phần giá trị. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu đánh giá thị trường để tìm kiếm lời giải riêng” – Hoàng Nguyễn nói. Dù vậy, điều mà đồng sáng lập của startup đình đám này lo lắng lại nằm ở việc ‘những sản phẩm có thể tạo ra lợi nhuận hay không”. Hàng chục năm làm chiến lược khiến anh hiểu rằng, có nhiều sản phẩm không thu phí tồn tại ngon lành nhưng nếu thu phí sẽ chết ngay. “Chúng tôi phải thăm dò dần thị trường để tạo ra một sản phẩm ‘product market fit’ – như cách gọi của startup về những sản phẩm đúng với nhu cầu của người dùng. Khi ấy, chẳng cần quảng cáo hay marketing, người dùng sẽ ùn ùn sử dụng” – Hoàng Nguyễn bổ sung về điều mà anh đang tìm kiếm cho startup của mình.