Thương vụ mua lại này được kỳ vọng sẽ giúp MoMo cá nhân hóa tốt hơn các sản phẩm và dịch vụ của mình dựa trên nhu cầu của từng người dùng.

Trong 2 năm tới, mục tiêu của Momo là có 50 triệu khách hàng. Ảnh:techgist

Startup lĩnh vực ví điện tử MoMo mới đây đã tiến hành thương vụ mua lại đầu tiên của mình bằng việc mua Pique – startup trong nước về trí tuệ nhân tạo. Động thái này được cho là nhằm giúp MoMo tối ưu hóa trải nghiệm của 25 triệu người dùng, hỗ trợ hàng chục nghìn đối tác, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đây cũng là thương vụ đầu tiên của Quỹ Đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo (MoMo Innovation Ventures) – MoMo đã cho ra mắt quỹ này sau khi hoàn tất vòng gọi vốn series D vào đầu năm nay.

Sau khi hoàn tất thương vụ này, MoMo cho biết họ đã tiếp nhận toàn bộ tài sản trí tuệ của Pique và đội ngũ kỹ thuật và khoa học dữ liệu. Trịnh Xuân Tuấn, người sáng lập công ty khởi nghiệp Pique, cũng gia nhập MoMo.

Thành lập vào năm 2016, Pique (tiền thân là Next Smartly) chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho doanh nghiệp số thuộc nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử, nội dung đến giải trí như nghe nhạc và video streaming (các chương trình truyền phát trực tiếp). Năm 2017, Trịnh Xuân Tuấn là đồng tác giả của một công bố trình bày chi tiết về cách mà giải pháp của Pique tạo ra những đề xuất trong thời gian thực, ngay cả khi một nền tảng không thu thập đủ liệu về các giao dịch trước đây.

Trước khi được MoMo mua lại, Pique thường làm việc với các doanh nghiệp để tìm cách tăng số lượng khách truy cập tìm kiếm sản phẩm của họ và tăng tỷ lệ mua hàng cũng như giá trị đơn hàng thông qua các đề xuất sản phẩm phù hợp. Startup này từng huy động vốn thành công từ Quỹ 500 Startups Việt Nam, GS Shop của Hàn Quốc, SBK Tech Ventures của Bangladesh, cũng như các nhà đầu tư thiên thần gồm Tina Ju, người thực hiện các khoản đầu tư ban đầu rất thành công vào Alibaba và Baidu ở Trung Quốc.

Thương vụ mua lại này được kỳ vọng sẽ giúp MoMo cá nhân hóa tốt hơn các sản phẩm và dịch vụ của mình dựa trên nhu cầu của từng người dùng.

Theo dữ liệu của Tech in Asia, cho đến nay MoMo đã huy động được khoảng 232,7 triệu USD. Công ty hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước. Việt Nam đã trở thành “chiến trường” fintech khi mà các startup khác trong khu vực cũng đang đặt mục tiêu chiếm được thị phần của nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ ở đây.

Thành lập vào năm 2007, MoMo được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư toàn cầu như Warburg Pincus và Goodwater Capital. Tại Lễ Công bố gọi vốn thành công của Momo diễn ra vào đầu năm nay, ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Điều hành và đồng Tổng giám đốc của Momo, cho biết một trong những kế hoạch của đơn vị này là xây dựng một research lab để nghiên cứu sâu về công nghệ học sâu và trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, khoảng 20% số tiền đầu tư sẽ được Momo sử dụng để ra mắt Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Momo nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo phát triển và tìm thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng lớn của Momo.

Trong 2 năm tới, mục tiêu của Momo là có 50 triệu khách hàng. Công ty cũng đang chuẩn bị kế hoạch IPO.

Nguồn: