Leslie Dewan muốn hồi sinh một công nghệ từ những năm 1960 để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay.
Leslie Dewan, 34 tuổi, là một nhà thám hiểm mới của tạp chí National Geographic, có bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và đã xuất hiện trong danh sách “30 người dưới 30 tuổi đang thay đổi thế giới” của tạp chí Time năm 2013.
Cô muốn hồi sinh công nghệ lò phản ứng muối nóng chảy - một thiết kế có từ những năm 1960 – với hy vọng biến năng lượng hạt nhân thành một công cụ môi trường mạnh mẽ để tạo ra điện không phát thải carbon và rẻ hơn than.
Trước khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island (Mỹ, 1979) và thảm hoạ nguyên tử Chernobyl (Ukraina, 1986) thì lò phản ứng muối nóng chảy dường như quá đắt đỏ và được coi là an toàn hơn mức cần thiết.
Dewan cùng với đồng nghiệp Mark Massie từng theo học tại MIT đã nâng cấp thiết kế cũ bằng cách sử dụng các công nghệ và vật liệu hiện đại nhằm giữ những đặc tính an toàn nhưng giảm thiểu được chi phí.
Không như các mô hình hiện nay, lò phản ứng muối nóng chảy sử dụng muối uranium lỏng làm nhiên liệu, cho phép khai thác các sản phẩm phân hạch phụ dễ dàng hơn. Nó có một hệ thống ngăn chặn được kích hoạt ngay khi nhà máy mất điện, do đó lò phản ứng ít bị tổn thương khi xảy ra sự cố.
Trong trường hợp sự cố xảy ra thì khả năng bức xạ bị nổ tung cũng thấp hơn do chúng hoạt động ở áp suất khí quyển. Nhiên liệu sử dụng và lượng chất thải tạo ra của lò phản ứng dạng này cũng chỉ bằng nửa so với các loại lò hiện nay.
Dewan và Massie đã thành lập công ty startup về năng lượng hạt nhân mang tên Transatomic Power năm 2011. Họ hy vọng có thể tự xây dựng lò phản ứng, nhưng gần đây nhận thấy rằng công ty nhỏ của mình không đủ khả năng làm điều đó, hai người đã mở nguồn công khai các thiết kế lò hạt nhân của mình trên
website cho bất kỳ nhà nghiên cứu tư nhân, công lập hoặc phi lợi nhuận nào muốn tiếp tục công việc họ đã làm.
“Chúng tôi muốn mang [thiết kế này] ra thế giới để ai cũng có thể sử dụng”, Dewan chia sẻ.
Nguồn:
Ngô Hà (Theo NatGeo)